Ngày 14.6 âm lịch (nhằm 12.7.2022), nhà vợ chồng anh Iêng Phôn và chị Lất Xà Rương (ấp Kà Ốt, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu) rộn ràng tiếng người nói cười. Hôm nay, gia đình anh làm tiệc chuẩn bị tiễn cậu con trai Phôn Phen, 14 tuổi, xuất gia. Nhiều ngày trước, anh đến từng nhà họ hàng, lối xóm mời sang dự tiệc để Phôn Phen từ biệt mọi người. Anh Iêng Phôn cũng không quên nhờ già làng, các vị cao niên đến phụ giúp mọi thứ chuẩn bị nghi lễ cho hai ngày lễ diễn ra.
Ðể kịp 10 giờ sáng các sư đến làm lễ, từ sớm, các ông, các chú đã có mặt. Mọi người tỉ mẩn dùng tàu lá chuối, thân chuối, trái dừa tươi, lá trầu, trái cau làm đồ vật dâng cúng lễ.
Ở nhà sau, các bà, các cô phụ giúp chị Lất Xà Rương chuyện bếp núc, nấu ăn, đãi tiệc. Bà Lô Han, 66 tuổi đang chuẩn bị nguyên liệu nấu bún Xiêm Lo- món ăn truyền thống của đồng bào Khmer. Quanh đó, các chị tất bật phụ giúp dọn bàn, chuẩn bị món ăn thết đãi khách. Ai ai cũng phấn khởi, hớn hở sang nhà phụ giúp để chia vui cùng gia đình, đồng thời gửi lời chúc phúc đến chàng trai Phôn Phen.
Ông Nách Chan- già làng ấp Kà Ốt cho biết, việc đi tu là chọn lựa của người con, cha mẹ luôn ủng hộ. Khi con trai quyết định xuất gia, gia đình sẽ báo với Ban Quản trị chùa và cùng các sư thống nhất, chọn ngày làm lễ nhập tu. “Con đi tu là trả ơn cho cha mẹ. Gia đình có con đi tu mừng lắm. Ði làm phước mà. Người đi tu muốn tu bao lâu cũng được, bao nhiêu tuổi đi tu cũng được, không bắt buộc đâu. Nhưng thường đi từ nhỏ, 12-15 tuổi”- già làng Nách Chan nói.
Phôn Phen quyết định đi tu nhiều tháng trước. Khi nhà chùa nhận, cậu vào chùa ở trước 2 tháng để học một số bài kinh căn bản và theo các sư đi khất thực. Chọn đi làm “ông sư”, với Phôn Phen đơn giản là đi học. “Em muốn làm ông Sư. Ði học cho biết. Ði học cho giỏi”- Phôn Phen nói.
Với quan niệm của đồng bào Khmer, người xuất gia là niềm vinh hạnh, là làm phước cho cha mẹ. Nhưng họ cũng hiểu rằng, khi đã xuất gia, lánh khỏi cõi tục, chư tăng sẽ không còn vấn vương chuyện gia đình. Thế nên, trước khi đi tu, người con sẽ làm lễ lạy tạ cha mẹ, xin phép được đi tu. Ðó vừa thể hiện lòng hiếu kính và cũng như một lời tạ tội khi không còn ở bên chăm sóc, phụng dưỡng song thân.
Trước khi bước vào làm lễ, Phôn Phen được người chú “xuống tóc”, cạo chân mày. Sau khi tắm rửa, cậu khoác chiếc áo trắng cùng khăn trắng đã được mẹ chuẩn bị cả tháng nay.
Tại đây, các chư tăng đọc kinh cầu an, ban phúc lành cho cả nhà. Cả buổi trưa, nhà anh Iêng Phôn không ngớt người đến chúc mừng. Trên nhà sàn sư làm lễ, dưới nhà bà con đến mỗi lúc một đông hơn. Gần 1 giờ trưa, dùng bữa trưa xong, dưới sự hướng dẫn của một vị “cha”- người thực hiện các nghi lễ trong cộng đồng- Phôn Phen bái tạ cha mẹ. Sau phần nghi lễ, vợ chồng anh Iêng Phôn cùng bà con thân tộc, họ hàng lối xóm cột chỉ tay chúc phúc cho Phôn Phen. Việc chúc tụng, dùng bữa chung vui cùng gia đình kéo dài đến tận chiều.
Buổi tối, gia đình mang những lễ vật và vật dụng dùng khi đi tu gồm chiếc áo cà sa, bình bát khất thực và chiếc dù vào chùa Kiri Sattray Menchey. Nơi đây, chư tăng sẽ làm lễ nhập chùa cho Phôn Phen.
Ðúng ngày Rằm hôm sau, từ sáng sớm, bà con trong ấp Kà Ốt đã đến chùa, chuẩn bị nghi lễ nhập tu cho vị tăng mới. Vợ chồng anh Iêng Phôn tranh thủ thời gian ngắn ngủi ngồi cạnh cậu con trai út, dặn dò, trò chuyện. Phôn Phen thi thoảng quay sang ôm chầm lấy ba, lúc lại sà vào lòng mẹ, khi thì nũng nịu với ông nội. Cậu biết rằng, đây là những khoảnh khắc thiêng liêng, quý giá sau cùng với gia đình trước khi chính thức vào tu. “Lát nữa không được ôm rồi”- Phôn Phen giải thích.
Chuẩn bị bước vào lễ nhập tu, Phôn Phen được anh trai kiệu trên vai, cùng bà con đi 3 vòng quanh chánh điện chùa Kiri Sattray Menchey. Tại chánh điện của ngôi chùa, Sư cả thực hiện nghi thức thí phát (cắt tóc), cắt móng tay, và phát cà sa cho tăng mới.
Chính thức trở thành sư, Phôn Phen phải thực hiện mọi việc theo đúng quy tắc, lễ nghi của chùa. Từ nay, sư Phôn Phen sẽ ăn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và trước giờ Ngọ (12 giờ trưa) theo lời Phật dạy “Quá Ngọ bất thực”. Sư Phôn Phen cũng bắt đầu học giáo lý nhà Phật, học những điều hay lẽ phải, học chữ Khmer, học tiếng Pali.
Với đồng bào Khmer, đi tu không phải trở thành Phật mà là để học, trở thành người có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Ảnh 1: Phôn Phen được chú “xuống tóc” trước khi vào chùa.
Ảnh 2: Người bà giúp Phôn Phen khoác chiếc khăn trắng, thể hiện quyết định rời trần tục.
Ảnh 3: Phôn Phen dưới sự hướng dẫn của “cha” thực hiện nghi lễ bái tạ cha mẹ.
Ảnh 4: Bà con quanh xóm đến chúc phúc và tặng tiền cho Phôn Phen.
Ảnh 5: Phôn Phen được anh trai kiệu trên vai, cùng bà con đi quanh chánh điện 3 vòng trước khi vào làm lễ nhập tu.
Ảnh 6: Sư cả làm lễ thí phát.
Ảnh 7: Sư cả phát áo cà sa.
Ảnh 8: Chư tăng làm lễ nhập tu.
NGỌC DIÊU