Ảnh minh hoạ
Ngày ấy, nhà tôi ở một xóm nghèo miền quê biên giới, mảnh đất cằn cỗi, xung quanh nhà có trồng nhiều tre trúc. Tháng Chạp (tháng mười hai âm lịch), tiết trời se se lạnh, cái lạnh dường như ngày một tăng lên cho đến tết, làm cho làn da bọn trẻ nhà quê chúng tôi mốc khái, dù tắm rửa bằng xà phòng, kỳ cọ cỡ nào cũng không tróc được màu da trẻ quê chân đất. Đứa nào cũng mong đến ngày tết để được lên một tuổi, hồ hởi vui chơi thoải mái, mặc quần áo mới, trong túi lại có chút tiền mới được cô bác, cha mẹ lì xì rồi đi khoe khoang cùng bè bạn.
Ngày đó, cứ gần đến tết là mẹ tôi lo lắm, bởi cuộc sống khó khăn. Nhà nghèo lại đông con, cha mẹ gồng gánh nắng mưa cơm gạo cho cả nhà có đến mười miệng ăn. Ngày thường kiếm cái ăn đã vất vả, ngày tết thêm gánh nặng đè lên đôi vai cha mẹ nặng trĩu.
Trong ký ức tôi những ngày này là dáng mẹ lom khom dưới nắng cháy ngoài đồng, còn bàn tay cha thì lấm lem bùn đất, chai sần vì tay cuốc, tay cày. Vừa thu hoạch vụ lúa trên mảnh ruộng nhỏ, cha tôi cày cuốc mớ đất để trồng rau quả.
Ngoài ra, cha còn trồng cây thuốc rê. Loại cây thuốc rê xuống giống lúc này cho đến hơn 3 tháng trở lên mới thu hoạch đợt một. Bẻ lá, ủ, rồi xắt, kéo trên liếp (vỉ phơi) mới đem phơi khô dùng lâu dài, cả năm và hơn. Hồi đó, nhà trồng thuốc rê để nội tôi xỉa khi ăn trầu hay đãi khách. Ngày tết, các cụ già lối xóm đến chơi, ngồi ngoáy trầu, miệng móm mém miếng trầu, xỉa miếng thuốc trò chuyện xưa nay.
Trong đám thuốc rê thường mọc nhiều rau dại. Sáng sớm, mẹ xách gàu ra tưới hơn chục hàng thuốc và nhổ được cả rổ rau xanh mướt. Rau dền thì nấu canh với cá hay tôm khô, rau dệu luộc chấm mắm kho, ăn rất ngon, không kém các loại rau mua ở chợ.
Riêng dưa leo thì mẹ tôi làm dưa mắm vừa để nhà ăn, vừa đem bán kiếm chút ít tiền mua sắm đồ tết; cà, ớt, cải ngọt có dùng vào bữa cơm hằng ngày; cải bẹ xanh thì mẹ muối chua để ăn lâu ngày. Ngoài những công việc tưới tiêu, chăm bón luống cà, liếp rau… ngày nào cha mẹ và anh chị tôi cũng ra đồng bắt cá.
Xưa, ở quê tôi, vào thời điểm cận tết, theo những mương ruộng, hay ao, bàu có nhiều cá trắm, cá rô, cá trê, cá sặc… Cá mang về, mẹ lựa con lớn đem ra chợ bán, con vừa làm mắm, phơi khô; con cá nhỏ hơn thì kho nghệ.
Mấy ngày tết, mẹ tất bật chuẩn bị đủ thứ. Dưới gian bếp, ớt chín đỏ, tỏi trắng muốt, củ hành tim tím… treo lủng lẳng; mùi thơm của những đòn bánh tét gói bằng lá chuối, nhân đậu xanh và thịt heo ba rọi ướp hành đang sôi ùng ục trên bếp củi tràm than rực đỏ.
Hầu như các món cúng kiếng hay thức ăn uống cho những ngày tết đều từ vườn nhà của cha mẹ tôi, như bánh tét từ nếp của nhà trồng tỉa; lá chuối để gói, hay lạt cột bánh cũng trong vườn nhà; củi nấu bánh từ bàn tay cha đi ra đồng bưng chặt mót chở về. Mâm trái cây có mãng cầu, sung, xoài, đu đủ, dừa cũng của nhà trồng, ra công hái bẻ rồi dọn lên bàn thờ. Mẹ chỉ mua nước mắm, dầu hôi và vải may quần áo mới cho anh chị em tôi.
Nhờ mẹ tôi biết may quần áo, nên đỡ phần tốn kém. Tôi còn nhớ, gần tết, mẹ mua vải may quần áo cho anh chị em tôi, không thiếu một ai, anh lớn thì may áo sơ mi, quần tây, nhỏ có đồ pijama. May xong, mẹ bảo tôi mặc thử, tôi nói với mẹ “Thằng Tí con chú Hai mặc áo có cái cổ cứng, còn cái cổ áo con nó mềm vậy mẹ”.
Mẹ bảo đồ của thằng Tí là áo sơ mi, còn của tôi là áo pijama mặc rộng rãi, có chạy nhảy cũng thoải mái. Tết đến, tôi diện bộ đồ pijama vào, đi khoe xóm trên làng dưới. Có bữa qua nhà chú Hai chơi, thím Hai, má của thằng Tí đến sờ chiếc áo mới tôi mặc rồi nói với chú Hai, tết năm sau mua vải nhờ mẹ tôi may cho thằng Tí bộ đồ pijama giống vậy! Chú Hai còn móc túi áo lấy tiền lì xì cho tôi được 2 đồng, 1 đồng giấy bạc, 1 đồng tiền cắc. Những năm 1960-1965, con nít nhà quê trong túi có được 2 đồng là rất quý. Tôi về nhà mà cười tít mắt khoe với mẹ, mặc đồ mới được thím Hai khen và chú Hai còn lì xì nữa.
Ngày nay, quần áo đủ màu sắc đẹp, nhiều kiểu mẫu thời trang; bánh mứt đủ loại cao cấp bày bán khắp các siêu thị... miễn có tiền mặc tình mua sắm, không phải nhọc nhằn như xưa, nhưng trong tâm trí tôi vẫn in đậm những ngày tết ở quê năm xưa.
Thuỳ Dung