|
Lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và TP.Hồ Chí Minh dự hội nghị. |
Sau 2 năm triển khai, nội dung thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ (giai đoạn 2020 - 2025) được lãnh đạo thành ủy, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, theo dõi.
Nhiều hoạt động được các tỉnh, thành chủ động triển khai hoặc phối hợp thực hiện. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh - trung tâm điều phối vùng đã phát huy vai trò đầu mối kết nối cả vùng.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Cụ thể, tour TP.Hồ Chí Minh - Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), TP.Hồ Chí Minh-Côn Đảo, TP.Hồ Chí Minh - Củ Chi - núi Bà Đen (Tây Ninh); tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” hành trình TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - núi Bà Đen; tour “Về nguồn” TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” theo hành trình TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; tour “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu…
Tổng lượng khách du lịch từ năm 2020 đến 2022 của toàn vùng đạt hơn 23,2 triệu lượt, doanh thu du lịch 51.983 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hiệu quả tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức và trên các phương tiện truyền thông. Công tác đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Các chuyên đề về hướng dẫn viên du lịch tại điểm; quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch; quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong công tác quản lý nhà nước, các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin sản phẩm du lịch; thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch.
Tuy nhiên, liên kết vùng Đông Nam bộ cũng gặp những trở ngại nhất định do dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều chương trình trong thỏa thuận liên kết vùng không triển khai được. Nhiều cơ sở dịch vụ ngưng hoạt động, lực lượng lao động ngành du lịch mất việc làm, biến động lao động lớn. Doanh nghiệp du lịch, lữ hành chưa liên kết tạo tour du lịch hấp dẫn; thu hút đầu tư du lịch ngưng trệ; hạ tầng du lịch các tỉnh, thành chưa đồng bộ…
|
Ông Võ Đức Trong-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị. |
Trong phương hướng nhiệm vụ năm 2023, các tỉnh, thành trong vùng thống nhất phát triển và liên kết sản phẩm nổi bật để hình thành tour liên tuyến; tổ chức famtrip khảo sát các điểm đến; tăng cường quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ, triển lãm về du lịch lớn; xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam bộ tham gia các sự kiện do Bộ VHTTDL tổ chức.
Các tỉnh, thành trong khu vực cũng thống nhất tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch; tổ chức hội nghị mời gọi xúc tiến đầu tư về du lịch vào 6 tỉnh, thành trong vùng; mỗi tỉnh, thành tổ chức 1 sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch để các địa phương khác cùng tham gia; hình thành chương trình kích cầu du lịch chung cho vùng Đông Nam Bộ.
Gian triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm của tỉnh Tây Ninh.
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành, chuyên gia, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp cũng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ trong liên kết. Đồng thời thống nhất các hoạt động cụ thể hiện thực hóa liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng năm 2023.
|
Đại biểu tham quan gian triển lãm giới thiệu sản phẩm tiêu Bầu Mây của Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Việc ký kết thỏa thuận liên kết diễn ra tại tỉnh Tây Ninh vào năm 2020. Hàng năm, hội nghị sơ kết sẽ luân phiên tổ chức tại một tỉnh, thành trong khu vực nhằm đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung kịp thời nội dung hợp tác hướng đến liên kết chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ sơ kết năm 2021, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sơ kết tạm hoãn và được nối lại đến thời điểm này.
BTNO