Đối với nữ thi sĩ Phan Phụng Văn, thơ ca tựa hơi thở cuộc đời.
Tâm hồn thơ không tuổi
Nữ thi sĩ Phan Phụng Văn tên thật là Phan Thị Hộ, sinh năm 1929 tại làng Thái Bình (nay thuộc phường 1, thành phố Tây Ninh). Bà là một trong những hội viên sáng lập Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và là một trong những người phụ trách “Quán thơ” trên núi Bà Đen những năm 1983-1984.
Được sự hướng dẫn, chỉ đường nhiệt tình của nhà thơ Trần Nhã My, tôi đến thăm nhà thi sĩ Phan Phụng Văn vào một chiều cuối năm. Hay tin có khách đến chơi, bà Năm (cách gọi thân mật của người thân dành cho nữ thi sĩ) đang nằm trên võng vội ngồi dậy, ra đón khách cùng nụ cười hạnh phúc.
Tuổi cao, sức yếu, lãng tai nhưng bà Năm vẫn cố gắng đọc thơ cho tôi nghe. Bà hỏi tôi muốn nghe bài thơ nào, rồi bà đọc một loạt các bài thơ bà yêu thích nhất, bằng chất giọng khi bổng khi trầm nhưng không hề đứt quãng. Có lẽ từng câu thơ đã in sâu trong tiềm thức của bà.
“Ngày xưa khi còn trẻ, bà Năm thích đi đây đi đó, bà tham gia đầy đủ các cuộc hội họp của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, của Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh… bà cùng bạn bè đàm đạo thơ văn, tham gia các nhóm thơ dành cho người cao tuổi. Hiện tại, do tuổi cao nên bà chỉ quanh quẩn ở nhà, sáng sớm bà dậy tập thể dục, buồn thì ngồi ngâm thơ, thỉnh thoảng bà lấy giấy bút ra ghi chép, tôi hỏi thì bà bảo viết bản thảo làm thơ. Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến thơ ca thì mắt bà sáng lên tựa nguồn sức sống mãnh liệt giúp bà quên hết tuổi tác, quên hết mỏi mệt mà tìm vui trong thơ ca”- ông Huỳnh Trung Lương, cháu rể nữ sĩ Phan Phụng Văn chia sẻ.
Người đời thường ví thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, có lẽ vì thế mà hồn thơ của nữ thi sĩ Phan Phụng Văn luôn trong sáng, thanh cao, một tâm hồn thơ không tuổi. Bà viết:
“Quý thơ hơn quý tiền vàng
Coi thơ hơn cả giàu sang cuộc đời”
(Trích: Nghĩ về thơ)
Bà dành trọn tình yêu to lớn cho thơ ca mà không nghĩ đến việc lập gia đình, dù mắt mờ, tay yếu, chân run, đôi khi nhớ nhớ, quên quên nhưng bà vẫn không ngừng sáng tác.
Thơ ca tựa hơi thở cuộc đời
Thơ ca đối với thi sĩ Phan Phụng Văn như người bạn tâm giao, tựa hơi thở cuộc đời, ở tuổi U100 bà đã cho ra đời hơn 10 đầu sách với hàng ngàn bài thơ, vọng cổ, tản văn. Chính tâm hồn lạc quan, yêu văn chương đã giúp bà trí tuệ minh mẫn, bà làm thơ như một thú vui tao nhã, bà viết:
“Là chuốc tâm tư vẫn sáng ngần
Thi phú văn chương trau dồi mãi
Sĩ diện ôn hoà giữ nghĩa nhân…”
(Trích: Thi sĩ bình dân).
Những tác phẩm tiêu biểu của bà phải kể đến như: Thơ Phan Phụng Văn, xuất bản năm 1959; Cẩm Giang thôn, năm 1965; Tập truyện Tiếng gió nửa đêm, năm 1970; Thơ sắc lá, năm 1970; Thơ Haiku Phan Phụng Văn, năm 2008; Bút ngọc, năm 2015… và tháng 11.2022 vừa qua, bà vừa xuất bản tập thơ Tây Ninh quê tôi.
Nhiều bài thơ của thi sĩ Phan Phụng Văn tựa tiếng lòng của thi nhân, câu từ đơn giản, ít trau chuốt, gọt giũa, song luôn tràn đầy cảm xúc thăng hoa, đặc biệt luôn lạc quan yêu đời, truyền nguồn năng lượng tích cực cho người đọc. Trong bài thơ “Tâm hồn nghệ sĩ”, bà viết:
“Chúng tôi đây những tâm hồn nghệ sĩ
Sống và yêu bằng tất cả tim mình
Không đem văn chương làm mối lợi kinh doanh
Mà sáng tác với tinh thần trách nhiệm…”.
Phần lớn bài thơ, bà sáng tác theo thể thơ truyền thống như đường luật, lục bát, và một số bài theo thể thơ tự do, thơ Haiku… tất cả đều mang âm hưởng, phong cách của phong trào thơ mới, nhiều bài thơ xướng hoạ, giao lưu với bạn bè văn nghệ sĩ. Bà viết:
“Phụng” sự, “Văn” nghệ tơ vương
Tấm lòng nhiệt huyết bốn phương thi đàn
Tình người thắm thiết chứa chan
Chan hoà cuộc sống, nồng nàn tình thơ
(Trích: Đời tôi, tập thơ Tây Ninh quê tôi).
Ngoài làm thơ bà còn sáng tác nhiều bài ca cổ, điển hình như tác phẩm “Cẩm Giang thôn” được bà xuất bản năm 1965 và được trình bày qua nhiều giọng ca của ban nhạc cổ Thành Công, tại TP. Hồ Chí Minh: “Cẩm Giang thôn nghiêng nghiêng bên đường thiên lý, nép bờ sông thêm gợi ý thơ sầu/ Nét đẹp thiên nhiên qua dãy lúa xanh màu/ Gieo hạt mầm non, gây sức sống dạt dào…” (Trích: Vọng cổ Cẩm Giang thôn).
Yêu quê hương qua những vần thơ
Mỗi bài thơ của nữ thi sĩ Phan Phụng Văn đều thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước sâu đậm. Ở tập thơ vừa xuất bản, bà đã dành nhiều trang viết về những cảnh đẹp của quê nhà.
“Kỳ quan Toà thánh của quê tôi
Lộng lẫy nguy nga đẹp tuyệt vời
Nét chạm hoa văn, toàn thẩm mỹ
Vẽ hình rồng phượng rất tinh khôi
Lòng hồ Dầu Tiếng của quê tôi
Nước bạc mênh mông ngó ngút trời…”
(Trích: Tây Ninh quê tôi).
Có thể thấy, cuộc đời và sự nghiệp của nữ thi sĩ, bà đã dành rất nhiều tình cảm cho con sông Vàm Cỏ Đông và ngọn núi Bà Đen hùng vĩ.
“Uy nghi dáng núi Tây Ninh
Giữa trời lồng lộng in hình nón thơ
Nghìn xưa cho đến bây giờ
Nghìn năm sau nữa rạng ngời sử xanh…”
(Trích: Dáng núi Tây Ninh).
Có lẽ vì điều đó mà bà luôn đau đáu, tâm niệm là mong có ngày “Quán thơ” mở lại trên núi Bà Đen để du khách ngày xuân có dịp được giao lưu xướng hoạ, làm đẹp cho thơ, cho đời.
“Quán thơ ơi, hỡi quán thơ
Người còn, người mất bơ vơ một mình
Quê hương thắm đượm nghĩa tình
Tả sao cho hết lòng mình thiết tha
(Trích: Quán thơ ngày ấy đâu rồi).
Nhà thơ Trần Nhã My, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội VHNT huyện Gò Dầu nói về nữ thi sĩ Phan Phụng Văn với niềm kính trọng: “Ở tuổi 93 nhưng tâm hồn thơ của bà vẫn không thay đổi, bà vẫn sáng tác thơ, đọc thơ mỗi khi có bạn thơ đến thăm.
Bà là một tấm gương tiêu biểu cho sự đóng góp tích cực trong hoạt động văn hoá văn nghệ của tỉnh nhà. Bà được trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hoá, nghệ thuật trong thời kỳ mới; cùng nhiều giấy khen cuả Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, của Hội VHNT tỉnh…”.
Ngày 30 Tết Quý Hợi (năm 1983) nhân dịp UBND tỉnh Tây Ninh khai mạc Hội xuân núi Bà Đen lần đầu tiên, khi ấy bà Phan Phụng Văn cùng các ông Vân An, Phan Văn, Xuân Quang tạo nên một “Quán thơ” trên núi Bà Đen, làm nơi trao đổi thơ phú với bao người yêu thơ xa gần đi Hội xuân. Giờ đây "Quán thơ" trên núi Bà là những mảng ký ức đẹp trong lòng người yêu thơ ca trong suốt 4 thập kỷ qua.
Hoàng Yến