Giáo viên tập huấn thay sách giáo khoa.
CUỐI THÁNG 8 CUNG ỨNG ĐỦ SÁCH GIÁO KHOA
Sách giáo khoa (SGK) là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của phụ huynh học sinh và cơ sở giáo dục. Nhiều trường học cho biết, đến 15 giờ ngày 18.8, nhà trường vẫn chưa nhận được SGK. Dự kiến đến 30.8, học sinh mới nhận được đầy đủ SGK. Nhiều phụ huynh và học sinh muốn mua được sách giáo khoa sớm nhưng nhà trường chưa thể cung cấp sách đầy đủ cho các em.
Trước băn khoăn trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải thông tin, ngày 25.7.2022, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2464 về việc phát hành, cung ứng SGK lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022-2023, chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục thông tin đến phụ huynh học sinh danh mục SGK nhà trường lựa chọn sử dụng giảng dạy trong năm học 2022-2023 và công khai bảng giá SGK của các nhà xuất bản để phụ huynh học sinh có thể tự trang bị sách giáo khoa cho học sinh hoặc đăng ký để nhà trường mua hộ.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà xuất bản đã cung ứng đầy đủ SGK cho các trường học. Riêng SGK lớp 10, việc cung ứng chưa kịp tiến độ do các trường tổ chức cho học sinh đăng ký lại tổ hợp môn học phù hợp với điều chỉnh của Bộ GD&ĐT. Các nhà xuất bản bảo đảm cung ứng SGK lớp 10 cho các trường trước ngày 28.8.2022.
Về việc lựa chọn, hướng dẫn và triển khai chương trình SGK mới, ông Phạm Ngọc Hải cho biết, việc lựa chọn được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Các trường phổ thông chọn SGK căn cứ vào danh mục SGK của Bộ GD&ĐT, tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh và danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh để lựa chọn cho trường mình bộ sách phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế của trường, của địa phương, bảo đảm nguyên tắc tạo điều kiện cho học sinh học tốt, giáo viên dạy tốt.
Về triển khai thực hiện chương trình, Sở GD&ĐT đã tổ chức cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (GDPT 2018) và các nội dung tập huấn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn sử dụng SGK của tất cả các nhà xuất bản được lựa chọn giảng dạy trên địa bàn tỉnh, bảo đảm giáo viên hiểu rõ cấu trúc, cách sử dụng để có thể khai thác tốt nhất SGK phục vụ tốt việc giảng dạy.
Một vấn đề đặt ra đối với năm học này: việc thực hiện chương trình SGK lớp 3, lớp 7, các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí đội ngũ, nhất là giáo viên tiếng Anh và tin học cấp tiểu học. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới?
“Để giải quyết những khó khăn trong việc thiếu giáo viên môn tiếng Anh và tin học cấp tiểu học, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị, trường học rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ, kịp thời tham mưu thực hiện điều động, thuyên chuyển hoặc biệt phái giáo viên ở những nơi thừa sang nơi thiếu. Tuyệt đối không để tồn đọng tình trạng thừa giáo viên ở những địa bàn thuận lợi nhưng lại thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn”- ông Phạm Ngọc Hải khẳng định.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thêm, có thể thực hiện điều động, phân công giáo viên dạy liên trường trong từng cấp học; biệt phái, điều động giáo viên môn tiếng Anh, tin học cấp trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học. Theo đó, đối với các giáo viên chưa dạy đủ số tiết theo định mức quy định, có thể phân công dạy đủ số tiết ở đơn vị trường khác có khoảng cách gần nhau về địa lý.
Trường hợp, giáo viên dạy vượt định mức thì thực hiện chế độ chi trả đầy đủ, hợp lý và được sự đồng thuận của giáo viên. Một giải pháp khác cũng được tính đến: hợp đồng giáo viên THCS, THPT hoặc xem xét hợp đồng thỉnh giảng đối với những viên chức ở các ngành khác nhưng có ngành đào tạo gần với ngành sư phạm (tin học, tiếng Anh), có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn.
Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PHÂN HOÁ MẠNH MẼ Ở CẤP THPT
Năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 được triển khai lần đầu tiên ở lớp 10. Quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hải thông tin, Chương trình GDPT 2018 cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, các môn học Toán, Lý, Hoá, Sinh được phân hoá sâu, tương đối độc lập. Trong các môn học, có thể có các bài toán ứng dụng thực tế có liên hệ đến các kiến thức liên môn nhưng không phổ biến và không vận dụng kiến thức chuyên sâu nên không gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy. Đây cũng là cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức giải quyết tình huống trong thực tiễn, hình thành năng lực đáp ứng yêu cầu của chương trình giảng dạy.
Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về tình huống, nếu học sinh đang học ở trường này nhưng vì lý do gì khác phải chuyển trường, hai trường sử dụng hai bộ sách khác nhau, thì có thể học sinh đó sẽ gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải nhìn nhận, hiện tại chúng ta thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa trên cùng một chương trình (không phải dạy theo sách giáo khoa như thời gian trước kia). Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Các nhà xuất bản sẽ căn cứ trên chương trình của Bộ GD&ĐT, xây dựng cho từng môn học một hay nhiều bộ SGK trình Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt.
Giáo viên đã được Bộ GD&ĐT tập huấn việc thực hiện chương trình và được các NXB tập huấn sử dụng SGK đáp ứng theo yêu cầu của chương trình. Do đó, giáo viên có thể sử dụng bất cứ bộ sách nào được phê duyệt, lựa chọn theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành. Điều này sẽ không gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy. Các NXB hiện nay đã đầu tư bộ sách giáo khoa có đầy đủ các tài liệu hỗ trợ, sách tham khảo, tài liệu hướng dẫn giảng dạy kèm theo SGK cho nên rất thuận tiện cho giáo viên trong giảng dạy, trao đổi chuyên môn.
Đối với học sinh, các em phụ thuộc vào SGK nhiều hơn, nếu phải chuyển trường, chắc chắn các em không tránh khỏi sự bỡ ngỡ khi học bộ SGK khác. Tuy nhiên, cấu trúc của các bộ sách đều căn cứ trên khung chương trình của Bộ GD&ĐT nên sẽ không có chênh lệch về kiến thức, chỉ khác nhau về cấu trúc và trình bày. Hằng năm, học sinh chuyển đến trường học khác không nhiều, trong điều kiện không mua được SGK thì các em có thể mượn tại thư viện của trường. Tất cả các trường đều được trang cấp cho thư viện các loại sách giáo khoa phục vụ cho giáo viên, học sinh.
Về ưu điểm và hạn chế của chương trình và SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sau hai năm thực hiện thay SGK, ông Phạm Ngọc Hải chia sẻ: “Nội dung chương trình dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, có nhiều tiết thực hành, trải nghiệm nên học sinh rất hào hứng học tập.
Hệ thống câu hỏi, bài tập và ngữ liệu trong SGK linh hoạt, có khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tiễn, giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển phẩm chất, năng lực; giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống. SGK tích hợp nội dung giáo dục nghề nghiệp, giáo dục địa phương, bảo vệ môi trường, rèn luyện ý thức tự học cho học sinh; bên cạnh đó tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để đạt được mục tiêu của chương trình đặt ra. Tuy vậy, một số môn học, cấu trúc của một chủ đề, bài học được triển khai dưới hình thức giao nhiệm vụ học tập cho học sinh là chủ yếu nên tạo cảm giác nặng nề cho các em, đặc biệt những học sinh năng lực tư duy còn chậm”.
VIỆT ĐÔNG