Các sơ và các cụ tại Viện dưỡng lão Vinh Sơn.
Chia sẻ là niềm vui
Hơn 3 năm nay, Cơ sở trợ giúp xã hội Đa Minh (ấp Tam Hạp, xã Thái Bình) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những hoàn cảnh khó khăn. Bà Trần Thị Lan (khu phố 1, thị trấn Châu Thành) là người tham gia nấu ăn ở đây từ khi cơ sở mới thành lập. Mỗi tuần hai ngày, vào thứ sáu và chủ nhật, bà tranh thủ làm việc nhà, khoảng 5 giờ 30 phút thì đến đây cùng chị em nấu nướng. Bà nói: “Thứ sáu, mọi người nấu cơm trưa, còn sáng chủ nhật thì làm đồ ăn sáng. Mình còn khoẻ, cuộc sống gia đình ổn định nên muốn góp phần công sức chia sẻ khó khăn với người khác. Vậy là hạnh phúc rồi”.
Mỗi buổi, cơ sở chuẩn bị gần 400 suất cơm từ thiện. Người bán vé số lỡ đường, cô lao công đi làm về ngang, hay bà cụ neo đơn… cần một suất ăn đều có thể đến nhận.
Ông Nguyễn Công Đình- Phó Giám đốc Cơ sở trợ giúp xã hội Đa Minh cho biết, cơ sở cưu mang 9 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Việc chăm sóc, nấu ăn cho các cụ đều nhờ sự chung tay của bà con giáo dân, mạnh thường quân. Cha xứ còn vận động các đoàn y, bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh về khám bệnh, cấp thuốc cho bà con mỗi tháng. “Ngoài ra, cơ sở còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ gạo cho những hộ nghèo “bền vững”, trung bình mỗi tháng khoảng 50 phần gạo, nhu yếu phẩm, trị giá mỗi phần trên 200 ngàn đồng. Ai không có của thì góp công. Nhiều người đến ủng hộ tiền, sau đó thấy mọi người nấu ăn đông vui, ý nghĩa nên tham gia nấu nướng, phục vụ người dân” - ông Công Đình nói.
Các xứ đạo luôn quan tâm chăm lo việc học tập cho các em học sinh. Nổi bật là giáo xứ Cao Xá thường xuyên cấp học bổng, tặng xe đạp, tập sách… cho các em học sinh nghèo hiếu học. Theo ông Trần Văn Chưởng- Trưởng khu phố 2, Uỷ viên Hội Khuyến học của giáo xứ Cao Xá, công tác khuyến học này được giáo xứ thực hiện từ năm 2009. “Năm đó, lần đầu thực hiện, chúng tôi chỉ trao học bổng cho 10 cháu. Sau này, thấy việc làm hiệu quả, mạnh thường quân, bà con giáo dân ủng hộ cho quỹ khuyến học nhiều hơn, nên hiện nay, trung bình một năm cấp học bổng cho khoảng 30 em. Học bổng cho mỗi cháu ở cấp 1, cấp 2 là 1 triệu đồng/năm; cấp 3 được 1,5 triệu đồng/năm và đại học được 3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sau khi nhà trường tổng kết năm học, cháu nào nhận giấy khen của trường cũng được chúng tôi tặng thêm một phần thưởng gồm dụng cụ học tập để động viên, khuyến khích các cháu chăm học hơn. Trung bình một năm, giáo xứ Cao Xá dành khoảng 45 triệu đồng cho công tác khuyến học”- ông Chưởng cho biết.
Ngoài hoạt động khen thưởng, hằng năm, giáo xứ Cao Xá còn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khoá như cắm trại, hội chợ ẩm thực, trò chơi dân gian để tạo điều kiện cho các em vui chơi, giải trí sau những giờ học tập.
Để có nguồn quỹ hỗ trợ các em học sinh, trước đây, Giáo xứ vận động bà con giáo dân và mạnh thường quân đóng góp. Sau nhiều năm thực hiện, việc ủng hộ quỹ đi vào nếp, nhiều gia đình tự nguyện đóng góp quỹ mà không cần sự vận động như trước.
Cũng trên địa bàn thị trấn Châu Thành, từ năm 2015, dòng nữ tu Đa Minh được chính quyền cấp phép xây dựng Trường mầm non Hoa Cúc. Trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm nuôi dạy, chăm sóc cho các cháu là con em ở địa phương. Trường có 18 giáo viên, chăm sóc cho khoảng 300 em học sinh với bếp ăn đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp phụ huynh an tâm lao động, công tác.
Sơ Phan Thị Thơm trò chuyện cùng các cụ già tại Viện dưỡng lão Vinh Sơn.
Mái nhà của những cảnh đời neo đơn
Hưởng ứng chủ trương xã hội hoá công tác từ thiện của Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các giáo xứ trên địa bàn huyện đã tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tích cực chăm lo cho người khó khăn, trong đó có hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc cho người già neo đơn, không nơi nương tựa.
Viện dưỡng lão giáo xứ Vinh Sơn (thị trấn Châu Thành) đang nuôi dưỡng 16 cụ già không nơi nương tựa. Cụ Phan Thị Thạnh năm nay đã 80 tuổi, có 12 năm nương nhờ tại Viện dưỡng lão Vinh Sơn. “Mỗi ngày tôi dậy từ 3 giờ 30 phút, sửa soạn đi lễ nhà thờ. Sau đó về phòng, vệ sinh cá nhân, quét dọn phòng ở. Cả phòng tôi nhỏ tuổi nhất, còn khoẻ mạnh nên đảm nhiệm công việc này. Xong xuôi mọi việc mới xuống ăn sáng. Bữa ăn do các sơ nấu. Rảnh rỗi thì đi ra ngoài tập thể dục. Sống ở đây có chị có em, không khí thanh bình, êm ả, tốt lắm”- bà Thạnh nói.
Cùng phòng với bà Thạnh là cụ Vũ Thị Thiện, 82 tuổi, sức khoẻ kém, chân tay yếu nên không đi lại hay làm được việc nhiều. “Nhà tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có con nhưng các cháu đi làm suốt. Tôi vào đây được 9 tháng. Ở đây các dì lo cho hết. Phòng cũng có bà Thạnh dọn dẹp giùm. Ăn uống đầy đủ, không thiếu thứ gì. Buồn cũng có người nói chuyện. Được vầy là tôi thấy mãn nguyện rồi”- bà Thiện chia sẻ.
Sơ Phan Thị Thơm- Trưởng Cộng đoàn, người phụ trách chính của Viện dưỡng lão Vinh Sơn cho biết, hiện Viện có 4 sơ phụ trách chăm sóc các cụ. Nơi đây có 16 cụ đang được nuôi dưỡng, trong số đó có 7 cụ không tự chăm sóc được, phải nhờ vào hỗ trợ của các sơ, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh.
3 giờ 30 phút sáng hằng ngày, các sơ dậy đi lễ, sau đó bắt đầu công việc thường ngày. Mỗi sơ đảm nhận một việc, người lo nấu ăn, người dọn dẹp, vệ sinh, tắm rửa cho các cụ. Có nhiều cụ lớn tuổi, thường xuyên bệnh tật, các sơ phải túc trực cạnh bên, cả ngày lẫn đêm. Để khi các cụ cần là có người giúp đỡ kịp thời.
Ông Đỗ Văn Chánh- Trưởng Ban Hành giáo giáo xứ Vinh Sơn cho biết, ngoài việc chăm lo cho các cụ, các sơ còn làm kinh tế, trồng hơn 1.000m2 sắn dây để có nguồn thu cho Viện dưỡng lão.
Dù bận rộn, vất vả, gần như không lúc nào ngơi tay, nhưng các sơ luôn giữ nụ cười trên môi. Các bà, các cụ có khó chịu do bệnh tật, hay trách nhầm các sơ vì bệnh đãng trí, các sơ vẫn dịu dàng đối đãi, xem đó như người thân trong gia đình. “Bất kể khó khăn gì, chúng tôi đều không quản. Vì chúng tôi đã nguyện dấn thân phục vụ nên không có gì không vượt qua. Chỉ mong các cụ luôn khoẻ mạnh”- sơ Nguyễn Thị Xuyến bộc bạch.
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp của huyện sẽ tiếp tục vận động đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, sống chan hoà, thân ái, thực hiện tốt đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Từ đó góp phần tích cực, hiệu quả vào việc ổn định và phát triển ở địa phương”.
Từ năm 2017 đến nay, vào mỗi dịp khai giảng năm học mới, giáo xứ Cao Xá đã tặng thưởng cho các em học sinh giỏi 38.000 quyển tập, 16 xe đạp, 80 bộ quần áo và 420 chiếc cặp, tổng trị giá hơn 230 triệu đồng; trao 91 suất học bổng cho học sinh hiếu học với tổng số tiền 450 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của Giáo xứ, các em học sinh đã nỗ lực học tập. Hiện toàn huyện có 6 bác sĩ, 4 dược sĩ, 12 kỹ sư, 37 cử nhân đại học đang làm việc tại các bệnh viện, công ty trong và ngoài tỉnh; số học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng là 64 em.
Ngọc Diêu