Học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Từ năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đồng thời hai chương trình: chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.
Trước đó, Sở GD&ÐT có chỉ đạo, đối với lớp 6, nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDÐT-GDTrH ngày 18.12.2020 của Bộ GD&ÐT.
Ðối với lớp 7, 8, 10, 11, 12, nhà trường, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, kế hoạch được xây dựng, thực hiện theo hướng dẫn từ năm học 2020-2021 trở về trước.
Việc thực hiện phải bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên.
Ðáng chú ý, mặc dù học sinh lớp 9 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng Sở GD&ÐT yêu cầu cơ sở giáo dục, nhà trường dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do đó, nhà trường tổ chức rà soát, điều chỉnh chương trình 2006 các môn học theo định hướng chương trình 2018, xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý, hiệu quả theo các nội dung đã được tập huấn hồi tháng 4.2021.
Mỗi kế hoạch của nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên phải được thể hiện thống nhất trong hai chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. Tuỳ tình hình, điều kiện thực tế, mỗi đơn vị lựa chọn các hình thức xây dựng kế hoạch phù hợp, bảo đảm đúng yêu cầu, khoa học, khả thi.
Ðể có định hướng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong tình hình hiện nay, Sở GD&ÐT gợi ý các mẫu xây dựng kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án) để các đơn vị tham khảo.
Trong đó, kế hoạch bài dạy (giáo án) dành cho các môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của chương trình GDPT 2018 năm học 2021-2022 là lớp 6, lớp 9.
Ðối với kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên giảng dạy các môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 (năm học 2021-2022 là lớp 7, 8, 10, 11, 12) thì hoàn thiện các kế hoạch đã được xây dựng và thực hiện từ năm học trước sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, học sinh.
Trong kế hoạch hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện chương trình, Sở GD&ÐT lưu ý đặc biệt về việc tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục ở lớp 6. Theo tinh thần này, việc tổ chức dạy học các môn học Lịch sử và Ðịa lý, môn Khoa học tự nhiên, hoạt động giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2613/BGDÐT-GDTrH ngày 23. 6.2021 của Bộ GD&ÐT.
Việc xây dựng phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được căn cứ vào tỷ lệ quy định các phân môn, chủ đề, bài học trong chương trình môn học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDÐT ngày 26.12.2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT.
Các bài dạy trong sách giáo khoa, đơn vị lựa chọn, gợi ý phân phối chương trình của nhà xuất bản (nếu có), nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch dạy học môn học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với các quy định, điều kiện thực tế của nhà trường. Ðối với các môn tích hợp, cần chú ý đến số lượng giáo viên hiện có của đơn vị để sắp xếp.
Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông phê duyệt phân phối chương trình, kế hoạch giáo dục của các tổ chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn phê duyệt kế hoạch giáo dục của giáo viên trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 1 tuần.
Trường THPT gửi kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường về Sở GD&ÐT, các trường THCS gửi về phòng GD&ÐT các huyện, thị xã, thành phố chậm nhất ngày 6.9.2021 để được phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện tại đơn vị.
Như từng đề cập nhiều lần, năm học này, cấp THCS sẽ học theo chương trình mới đối với lớp 6. Trong đó, lần đầu tiên, hai môn học mới được hình thành từ năm môn học độc lập trước đây, gồm môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Ðịa lý.
Ðể dạy và học hai môn học mới này, tháng 6 vừa qua, Bộ GD&ÐT có công văn hướng dẫn cơ sở giáo dục cũng như cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, đối với môn Lịch sử và Ðịa lý, Bộ GD&ÐT hướng dẫn, “căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Ðịa lý, các phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Ðịa lý theo tỷ lệ phù hợp với nội dung thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.
Tương tự như vậy, đối với môn Khoa học tự nhiên, “căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học”.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.
Cho đến thời điểm này, theo thông tin từ cơ sở, nhiều trường học vẫn chưa hình dung cụ thể việc bố trí giáo viên dạy hai môn học mới như thế nào. Trước mắt chỉ biết, theo tinh thần môn của ai người đó dạy.
Nội dung trong sách giáo khoa sẽ được sắp xếp dạy song song hay nối tiếp, vẫn chưa có gì cụ thể, vì các bài học trong từng mạch kiến thức của mỗi phân môn (bài trước bài sau) liên quan mật thiết với nhau. Cách gộp các môn học lại chỉ thật sự phát huy hiệu quả, khi một giáo viên dạy được cả hai hoặc ba môn học, trong khi hiện nay, giáo viên chỉ dạy đơn môn.
Ð.V.T