Một giáo viên của Trường THPT Tây Ninh dạy trực tuyến cho học sinh trong mùa dịch.
Phụ huynh chật vật chuẩn bị năm học mới cho con
Khác với những năm trước, năm học mới 2021-2022 không được phụ huynh, học sinh trông đợi vì dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Ngày 20.8 vừa qua, UBND tỉnh có Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tây Ninh. Theo đó, tựu trường bắt đầu vào ngày 8.9 và khai giảng năm học mới là ngày 13.9. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì học online là giải pháp được đặt lên hàng đầu.
Với hình thức học mới này, nhiều phụ huynh khá lúng túng vì chưa biết chuẩn bị việc học cho con như thế nào, hầu hết đều chờ hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Các phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn, vì đang là thời điểm giãn cách xã hội, việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập không thuận lợi; một số trường vẫn chưa hoàn thành tuyển sinh lớp 1; sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 còn thiếu; nhiều đầu sách giáo khoa của các cấp học bị thiếu do các cửa hàng sách không thể nhập hàng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (32 tuổi), ngụ phường 3, TP.Tây Ninh cho biết, con chị năm nay chuẩn bị vào lớp 1 nhưng vẫn chưa có gì ngoài vài quyển tập và bút, viết. Sách giáo khoa, quần áo, đồng phục đều phải chờ nhà trường thông báo đăng ký. Tương tự, chị Lê Thị Thanh Thảo (42 tuổi), ngụ phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh có 2 con năm nay lên lớp 5 và lớp 8 cũng chưa mua sắm được sách cho con, vì hỏi mua chỗ nào cũng... hết.
Từ khi có quyết định về thời gian nhập học, thị trường năm học mới bắt đầu nhộn nhịp hơn. Dù không thể rộn ràng như các năm học trước đây, nhưng các nhà sách đã có nhiều người tìm đến mua. Để đáp ứng nhu cầu trang bị cho năm học mới này, từ đầu tháng 8, một số nhà sách lớn như Nhật Vũ, Fahasha Tây Ninh... đã triển khai kế hoạch giao hàng online.
Nhà sách Fahasa Tây Ninh (phường 2, TP.Tây Ninh) vắng khách trong mùa tựu trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà sách, phương pháp giao hàng này tương đối khó khăn do tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và sách không phải mặt hàng thiết yếu trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh phức tạp khiến cho việc phân phối sách về các tỉnh phía Nam, trong đó có Tây Ninh rất khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, nguồn sách giáo khoa của 3 khối lớp 1, 2 và 6 vẫn còn thiếu. Qua khảo sát, chỉ có một số ít nhà sách mở bán online, trong khi khá nhiều nhà sách vẫn chưa hoạt động lại do dịch bệnh.
Nhân viên Nhà sách Fahasa Tây Ninh soạn sách theo đơn đặt hàng của khách.
Đại diện nhà sách Fahasha Tây Ninh cho biết, nhiều phụ huynh đặt hàng sách và dụng cụ học tập cho con em mình qua ứng dụng mạng xã hội Zalo, sau đó nhân viên sẽ soạn hàng và giao tận nhà cho khách.
Giá sách và các đồ dùng học tập vẫn bình ổn, không tăng. Từ khi có quyết định ngày tựu trường, phụ huynh tìm mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập nhiều hơn. Trong thời gian tới, Nhà sách sẽ tìm cách nhập thêm hàng để đáp ứng nhu cầu chuẩn bị năm học mới cho phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Anh Vũ Văn Điểm- Giám đốc Công ty Sách Nhật Vũ cho biết: “Do tình hình dịch bệnh phức tạp, từ đầu tháng 8, nhà sách triển khai dịch vụ bán hàng online, nhưng gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển.
Hiện nguồn sách của Nhà sách bị thiếu trầm trọng, do hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh không thể về trong khi năm học mới sắp bắt đầu khiến nhiều phụ huynh lo lắng.”.
Theo anh Điểm, chỉ khi nào tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh ổn định hoặc Nhà nước có những hỗ trợ cho việc vận chuyển sách thì nguồn sách giáo khoa cho năm học mới sẽ được đảm bảo.
Chuẩn bị cho việc học online
Ngày 27.8 vừa qua, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2890/SGDĐT-GDTrH hướng dẫn việc chuẩn bị điều kiện khai giảng năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đi đôi với việc tổ chức các hoạt động giáo dục với mục tiêu “bảo đảm sức khoẻ, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên là trên hết”. Công văn nêu rõ, tuỳ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, các cơ sở giáo dục sẽ quyết định hình thức triển khai cho phù hợp.
Theo công văn, ngành Giáo dục mầm non sẽ linh hoạt thực hiện các phương án nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ với các hình thức phù hợp thực tế tại địa phương và tình hình dịch bệnh theo Kế hoạch số 2785/KH-SGDĐT ngày 20.8.2021 về tổ chức dạy và học năm học 2021-2022 bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường/đơn vị theo khung thời gian năm học do UBND tỉnh ban hành và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Trong kế hoạch cần xây dựng các phương án tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến linh hoạt, hiệu quả trong suốt năm học, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hiện hành trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, thủ trưởng các cơ sở giáo dục sẽ quyết định tổ chức hình thức dạy học theo phương án phù hợp.
Sở GD&ĐT đã đề ra 3 phương án cụ thể. Trong đó, phương án 1: Đối với địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ “bình thường mới” (vùng xanh), các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp.
Phương án 2: Đối với địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tổ chức chia lớp học trực tiếp đảm bảo yêu cầu của Chỉ thị 15; quyết định các môn học trực tiếp và trực tuyến; tổ chức cho học sinh học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Phương án 3: Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc các cơ sở giáo dục được chọn làm bệnh viện dã chiến/khu cách ly.
Khi đến thời gian nhập học mà cơ sở chưa được bàn giao lại, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh học tập trực tuyến 100%; đánh giá thường xuyên và định kỳ theo Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30.3.2021 của Bộ GD&ĐT về việc quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Một học sinh học trực tuyến tại nhà.
Trong trường hợp dạy học trực tuyến, thủ trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cần nghiên cứu lựa chọn các hệ thống quản lý học tập trực tuyến và các phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến đáp ứng yêu cầu sử dụng; nghiên cứu, áp dụng các mô hình dạy học trực tuyến của các đơn vị, trường học đã thực hiện hiệu quả cho đơn vị mình; tiến hành khảo sát, thống kê số học sinh không có khả năng học trực tuyến và xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục; phối hợp với các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi về thiết bị, kết nối mạng Internet phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập đối các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia học trực tuyến thông qua tin nhắn SMS, Vnedu…, photocopy tài liệu chuyển đến phụ huynh để đưa tới các em.
Hướng dẫn học sinh tự học qua truyền hình, youtube, các trang web hỗ trợ học tập trực tuyến của các tổ chức, cá nhân, các bài giảng điện tử tại địa chỉ https://elearning.moet.edu.vn.
Nhà trường cần thông tin đến phụ huynh và học sinh các phương án dạy và học trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc ngành GD&ĐT Tây Ninh, các đơn vị, trường học tổ chức tuyển sinh bằng nhiều hình thức linh hoạt, phối hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh trước ngày 8.9.2021.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần thực hiện tốt công tác khử trùng, vệ sinh trường lớp trước khi tổ chức dạy học trực tiếp tại trường; tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.
Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trực thuộc khảo sát, thống kê số học sinh không có khả năng học trực tuyến, có các giải pháp cụ thể để khắc phục; phối hợp với các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi về thiết bị, kết nối mạng Internet phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa...
Lê Thuỳ