Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Một ngày với thầy thuốc trẻ - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 16/12/2022 17:54
BTN - Thấy việc làm của Triều có ý nghĩa, ngày mới thành lập cơ sở, nhiều người hàng xóm đóng góp cột, tôn và phụ dựng lên căn nhà đơn sơ để có chỗ che mưa che nắng. Có người tặng bàn hốt thuốc, kệ đựng thuốc…
Thầy thuốc Lý Thanh Triều khám bệnh.

Sáng chủ nhật, nhiều bệnh nhân đến Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Huỳnh Lương (đường Phạm Hùng, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) để được chữa bệnh miễn phí. Thầy thuốc Lý Thanh Triều, 35 tuổi tất bật với việc khám bệnh, kê toa, hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu … Nhiều cộng sự khác phụ giúp các công đoạn phơi thuốc, bốc thuốc, nấu cơm phục vụ miễn phí cho bệnh nhân. 

Quyết tâm theo nghề thuốc

Xuất thân trong gia đình có ông bà nội làm nghề thầy thuốc ở huyện Châu Thành, ngay từ tuổi thiếu niên, Triều đã hiểu biết nhiều loại cây thuốc nam. Lớn lên, theo kỳ vọng của cha mẹ, Triều thi vào Trường đại học Tài chính - Ngân hàng (TP. Hồ Chí Minh).

Học gần đến năm cuối, chàng sinh viên Tây Ninh mới nhận ra có tiền chưa chắc đã khoẻ mạnh và giúp đỡ được người khác. Vì thế, vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính- Ngân hàng, năm 2010, anh về quê, theo học tại Trường trung cấp Y tế Tây Ninh. Sau đó, anh học thêm ngành Vật lý trị liệu tại Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp, Triều về công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh.

Trong quá trình học ngành Đông y và hành nghề thầy thuốc, Triều nhận thấy Tây Ninh có rất nhiều cây thuốc nam quý, nhưng đang mất dần trong tự nhiên. Để bảo tồn, Triều thành lập vườn thuốc nam và sưu tập những loài thuốc nam quý hiếm đem về trồng.

Đồng thời, anh thành lập cơ sở y học cổ truyền để chữa trị cho bệnh nhân vào những ngày cuối tuần. Thời gian gần đây, bệnh nhân đến phòng thuốc ngày càng đông, Triều xin nghỉ công tác ở bệnh viện, dành hết thời gian cho cơ sở của mình.

Những ngày trong tuần, Triều tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân có tính chi phí. Riêng chủ nhật hằng tuần anh khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân tại phòng khám gia đình. Buổi chiều cùng ngày, anh vào Y viện Toà thánh làm công quả bằng cách hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu.

Phòng vật lý trị liệu.

Điều đáng ghi nhận là trong quá trình điều trị bằng thuốc nam, Triều có sáng kiến cải tiến kỹ thuật “nấu” thuốc nam rất tiện dụng. Khi mới hành nghề, Triều cũng hướng dẫn bệnh nhân nấu thuốc nam theo cách truyền thống, tức là để thuốc vào nồi và nấu bằng củi lửa theo công thức 3 chén còn 8 phân.

Qua một thời gian nghiên cứu, thầy thuốc trẻ này nhận thấy khi nấu thuốc ở nhiệt độ cao với thời gian dài như thế, những tinh chất của thuốc nam bị bốc hơi gần hết. Đồng thời, việc nấu thuốc bằng củi lửa không phù hợp với điều kiện của những bệnh nhân sống ở thành thị.

Từ đó, Triều nghĩ ra một phương pháp mới, đó là hãm thuốc trong bình thuỷ. Triều hướng dẫn: “Buổi tối, trước khi ngủ, đem thuốc nam để vào bình thuỷ, đổ nước sôi vào, đậy chặt nắp bình thuỷ để qua đêm, sáng hôm sau rót ra uống. Cách làm này giúp thuốc nam giữ được những tinh chất cần thiết, mang lại hiệu quả điều trị cao”.

Ông Pham Văn Thẩm, 55 tuổi, ngụ xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng kể, trước đây ông bị thoát vị đĩa đệm, đã điều trị nhiều nơi nhưng vẫn tái phát, cổ và lưng của ông bị đau đến nỗi không quay qua quay lại được.

Ông đến Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Huỳnh Lương chữa trị và hốt thuốc nam về uống. “Đến đây tôi được hốt thuốc miễn phí, thầy thuốc tận tình hướng dẫn tập luyện như người thân trong gia đình. Tôi rất quý nơi này”- ông Thẩm bày tỏ.

Thầy thuốc Lý Thanh Triều kiểm tra kho thuốc.
Thầy thuốc Lý Thanh Triều giới thiệu vườn thốc nam của mình.

Bà Phạm Thị Nhiên ở huyện Tân Châu cũng là một trong những bệnh nhân của Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Huỳnh Lương. Bà Nhiên bị viêm đa khớp, hơn một năm trước đã từng đến đây chữa trị. Bà cho biết: “Tôi thích nhất là được hướng dẫn “nấu” thuốc bằng phương pháp hãm trong bình thuỷ. Cách làm này đỡ cực hơn so với nấu bằng củi lửa”.

Triều cho biết, trong ngày cuối tuần, phòng khám đón tiếp vài chục người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám chữa bệnh. Để có chi phí duy trì phòng khám hoạt động, ngoài khoản phí thu được từ việc chữa trị vật lý trị liệu, anh còn bán một số loại thuốc Đông y do những cơ sở khác bào chế; nhiều nhà hảo tâm, bệnh nhân đóng góp gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả hỗ trợ phòng khám hoạt động.

Một số cộng sự phụ giúp bốc thuốc nam.

Lan toả tinh thần thiện nguyện

Vợ chồng ông Lý Tiết Giao, bà Trần Thị Ngọc Phụng là cha mẹ của y sĩ Lý Thanh Triều cho biết, trước đây cả gia đình ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành. Khi Triều quyết định chuyển sang học Đông y, gia đình đều không khỏi ngỡ ngàng. Tôn trọng quyết định của con, năm 2012, vợ chồng bà Phụng sang nhượng lại phần đất ở thị xã Hoà Thành để lập vườn trồng các loại cây thuốc nam và xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh Đông y.

Hằng ngày, bà Phụng phụ trách nấu bữa ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân. Ông Giao giúp con đi tìm thuốc nam đem về trồng trong vườn. Ngoài ra, ông còn cùng với vợ và nhiều tình nguyện viên khác xắt thuốc, phơi thuốc.

Ông Giao xắt cây thuốc nam bằng máy.

Thấy việc làm của Triều có ý nghĩa, ngày mới thành lập cơ sở, nhiều người hàng xóm đóng góp cột, tôn và phụ dựng lên căn nhà đơn sơ để có chỗ che mưa che nắng. Có người tặng bàn hốt thuốc, kệ đựng thuốc…

Nhờ sự chung tay đóng góp của rất nhiều người, đến nay, cơ sở chữa bệnh Huỳnh Lương đã trở nên khang trang, rộng rãi. Những ngày cuối tuần tuần đều có khoảng 10 tình nguyện viên là những cô, chú đã nghỉ hưu, bệnh nhân khỏi bệnh, một số bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh và học sinh ở địa phương đến hỗ trợ.

Cứ chủ nhật hằng tuần, anh Phan Thành Lợi, quê ở Tây Ninh, làm nhân viên bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh tranh thủ lúc về thăm gia đình, đến phòng khám phụ bốc thuốc nam. Ngày cuối tuần, chị Thái Thị Thuỳ Linh, nhân viên văn phòng ở TP. Hồ Chí Minh cùng một người bạn đến đây phụ ghi chép sổ sách. Chị Linh bộc bạch: “Đến đây phụ việc vừa vui vừa có thêm nhiều kiến thức về thuốc nam, giúp ích cho mình và có thể giúp đỡ nhiều người khác”.

Thầy thuốc Lý Thanh Triều hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu.

Lý Thanh Triều cho hay, ngoài những tình nguyện viên kể trên, Phòng khám Đông y của anh còn được giao lưu và hỗ trợ dược liệu từ những phòng khám Đông y khác trong tỉnh, như Phòng khám Y học cổ truyền Trí Huệ Cung, Y viện Toà thánh Tây Ninh, Phòng khám Y học cổ truyền Huỳnh Lê, Phòng khám nhân đạo Chữ Thập Đỏ TP. Tây Ninh…

Triều rất mong thế hệ trẻ hiểu biết về thuốc nam và áp dụng vào việc ăn uống hằng ngày để phòng, trị bệnh một cách tự nhiên. “Như bị bệnh cao huyết áp thì không cần phải mua thuốc đặc trị uống hằng ngày mà có thể ăn một số loại rau, củ, quả vẫn cải thiện được bệnh này”- Triều nêu ví dụ.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp