Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Nhiều bất cập Bài 3: Nên chăng dừng hai môn tích hợp? - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 06/01/2023 23:06
BTN - Mỗi giáo viên chỉ dạy được được một môn, nếu bắt buộc dạy ba môn sẽ rất khó khăn về chuyên môn.

Học sinh tiểu học.

Giáo viên theo lớp tập huấn thừa nhận khi học xong cũng không dễ gì trong việc giảng dạy, vì mỗi giáo viên chỉ dạy được một môn, nếu bắt buộc dạy ba môn sẽ rất khó khăn về chuyên môn. “Ngay cả khi sau này nếu các trường sư phạm tuyển sinh đào giáo viên dạy từ hai đến ba môn, tôi nghĩ số sinh viên theo học không nhiều, vì chỉ cần học một môn chuyên ngành đã đủ chết”- một hiệu trưởng bày tỏ quan điểm.

Không nên cào bằng biên chế

“Giá sách giáo khoa (SGK) tương đối cao, một bộ (chưa tính sách kèm theo) giá 370.000 đồng, trong đó giá sách giáo khoa Tiếng Anh cao nhất. Một số bài học trong SGK Toán lớp 3 dài, dạy trong thời gian quy định không hết bài, phải chuyển qua buổi chiều.

Tiếng Anh lớp 3, 4, 5, theo quy định môn ngoại ngữ dạy 4 tiết/tuần đối với lớp 3 nhưng chưa đủ giáo viên để bố trí. Về cơ sở vật chất, nhà trường cần thêm một số ti vi để phục vụ dạy học.

Trường có phòng Tin học nhưng không có giáo viên, thuê giáo viên dạy nhưng thù lao thấp, họ không dạy. Lãnh đạo nhà trường đề xuất cho phép tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng để “điền vào chỗ trống”- lãnh đạo Trường tiểu học Biên Giới, xã Biên Giới, huyện Châu Thành thông tin đến đoàn khảo sát của Quốc hội về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong khi đó, tại Trường THCS Hoà Thạnh (cũng thuộc huyện Châu Thành), lãnh đạo nhà trường cho biết, đơn vị này vừa thừa vừa thiếu giáo viên, tính theo tỷ lệ, nhà trường không thiếu.

Trường thiếu giáo viên Tin học nhưng nếu được tuyển dụng và có nguồn tuyển dụng lại sẽ thừa biên chế. Môn Khoa học tự nhiên đang gây nhiều khó khăn khi buộc phải dạy theo logic của SGK.

Giáo viên đang theo lớp tập huấn nhưng phải thừa nhận ngay cả khi học xong cũng không dễ gì trong việc giảng dạy, Vì mỗi giáo viên chỉ dạy được được một môn, nếu bắt buộc dạy ba môn sẽ rất khó khăn về chuyên môn.

Môn giáo dục địa phương hiện chưa có tài liệu, việc chấm điểm học sinh môn học này cũng phức tạp, vì môn học này gồm nhiều nội dung khác nhau: Văn học, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Âm nhạc, Mỹ thuật, mỗi nội dung một giáo viên dạy. Đến nay, chưa có tài liệu giáo dục địa phương (đang dạy bằng file PDF).

Tổ trưởng Tổ Tự nhiên của trường này cho biết, việc dạy môn Khoa học tự nhiên đang tồn tại nhiều khó khăn, hiện tại giáo viên đang dạy theo từng chủ đề, thuận lợi trong từng phân môn (chủ đề) nhưng lại không bảo đảm nguyên tắc tích hợp. Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét dừng tích hợp ở môn Khoa học tự nhiên, tách thành ba môn độc lập như trước đây vì “dạy cũng được nhưng không chất lượng, kiến thức các môn khác học cách nay hàng chục năm đã mai một”.

Tương tự, giáo viên Toán của trường này cho hay, giáo viên dạy Toán dạy kiêm nhiệm môn Tin học không dễ, nhiều khi không chắc điều mình đang dạy có đúng hay không. Trong khi đó, giáo viên Hoá học phàn nàn cách đọc tên nguyên tố hoá học khác nhau giữa SGK cũ và SGK mới, lớp 7 viết tên nguyên tố theo tiếng Anh trong khi lớp 8 viết tiếng Việt.

Hoạt động giáo dục có tên gọi Hoạt động trải nghiệm, SGK mua như thế nào, nhà trường hay phụ huynh mua, hồ sơ sổ sách tinh gọn hơn không? Lãnh đạo nhà trường cho biết, hồ sơ sổ sách đã tinh gọn hơn. Riêng Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là môn học độc lập, không tích hợp như trước nhưng không có giáo viên dạy hai hoạt động này. Tập huấn bồi dưỡng chỉ bảo đảm kiến thức ở mức “cơ bản”, không thể dạy nâng cao, chuyên sâu.

Giáo viên không phải “Bách khoa toàn thư”

“Học 3 - 4 năm mới dạy được một môn, giờ tập huấn hai tháng dạy hai môn, làm sao dạy?”- ông Phan Văn Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT nói về điều bất hợp lý khi ghép 3 môn học, gồm Hoá học, Vật lý, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý.

Cũng liên quan môn tích hợp, lãnh đạo Trường THCS thị trấn Châu Thành chỉ ra cụ thể những bất hợp lý: đối với môn Khoa học tự nhiên, ba giáo viên cùng chấm một bài kiểm tra. Do đó, để tạo thuận tiện cho việc chấm bài, môn Hoá học, Vật lý giáo viên ra đề trắc nghiệm, môn Sinh lại làm đề tự luận.

“Giáo viên môn Hoá học phải học thêm môn tiếng Anh mới đọc được nguyên tố hoá học. Có giáo viên dạy hàng chục tiết liên tục một tuần, sau đó mới đến lượt môn (chủ đề khác), điều này không bảo đảm tính khoa học”- lãnh đạo trường này nói về cấu trúc, nội dung môn Khoa học tự nhiên.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT, ông Phạm Hùng Thái- trưởng đoàn khảo sát đề nghị Sở GD&ĐT rà soát xem bao nhiêu trường học trên địa bàn tỉnh không đạt yêu cầu, chưa đạt quy chuẩn trường học về diện tích, phòng ốc, thiết bị dạy học. “Tây Ninh không thiếu nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhưng cần kiểm tra kỹ xem thiếu cụ thể những gì, cần đầu tư những gì, tránh lãng phí”- ông Phạm Hùng Thái nói.

Vấn đề đội ngũ, ông Phạm Hùng Thái yêu cầu lãnh đạo Sở GD&ĐT có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thật cụ thể, thiếu giáo viên môn nào, cấp học nào, phải thật cụ thể. Văn hoá học đường, cụ thể cán bộ lãnh đạo xử sự với giáo viên như thế nào, các cấp quản lý đã đặt ra vấn đề này chưa, giáo viên bỏ việc đôi khi không hẳn do thu nhập.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, khi mới thay SGK, giáo viên có phần lúng túng khi lên lớp nhưng nay đã quen dần. Việc học sinh chuyển trường khi đang học lớp 10, ngành Giáo dục không khuyến khích, nếu chuyển đến trường mới không có tổ hợp môn như trường cũ, học sinh phải tự củng cố kiến thức, nhà trường không thể bố trí giáo viên dạy riêng cho những trường hợp này.

Toàn tỉnh hiện thiếu 1.099 người, kể cả giáo viên mầm non, đây là tình hình chung, không riêng địa phương nào. Hiện tại các địa phương trong tỉnh đang tuyển giáo viên nhưng đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ, tổng cộng chỉ có 165 hồ sơ đăng ký dự tuyển trên tổng số hơn 1.200 chỉ tiêu. Từ 2020-2022, toàn tỉnh có 664 giáo viên nghỉ việc, phần lớn trong đó là giáo viên mầm non, trung học cơ sở (nhiều lý do khác nhau).

Việc tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn rồi cho thời gian đào tạo chuẩn hoá không thể được, vì luật không cho phép. Đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng, nếu đang học, sinh viên bỏ học, ai đền bù kinh phí? Nếu mức lương như hiện nay, bài toán thiếu giáo viên không thể giải được.

Thiết bị dạy học chưa có vì đang phải rà soát lại thiết bị hiện có, loại nào tiếp tục sử dụng được sẽ không mua mới, loại nào hư hỏng, không phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới mới mua. Việc rà soát này mất nhiều thời gian vì số lượng thiết bị phải ra soát rất lớn.

VIỆT ĐÔNG

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp