Ông Định giao lưu với khán giả trong chương trình“Lịch sử không lãng quên”.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), đêm 24.7 vừa qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức cầu truyền hình trực tiếp Hải Phòng - Tây Ninh với chủ đề “Lịch sử không lãng quên”. Trong chương trình giao lưu với khán giả, cựu chiến binh Phùng Văn Định, ngụ xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng chợt nhớ, ở Khu di tích lịch sử Bời Lời (thị xã Trảng Bàng) còn có 2 bộ hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập.
Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là căn cứ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh; Phân Liên khu miền Đông, một bộ phận Xứ uỷ Nam bộ thời chống Pháp và một bộ phận Trung ương Cục thời chống Mỹ. Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định và một số cơ quan của Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định cũng từng đặt căn cứ tại đây.
Ngoài ra, đây còn là căn cứ của Huyện uỷ Trảng Bàng và Gò Dầu. Tuy có di chuyển nhiều nơi, nhưng Bời Lời là nơi Tỉnh uỷ Tây Ninh có thời gian trú đóng lâu nhất. Từ năm 1946 đến năm 1975, nhiều hội nghị Khu uỷ, Tỉnh uỷ được tổ chức và ra các nghị quyết lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng qua các giai đoạn.
Suốt 15 năm (1960-1975) Mỹ - nguỵ thực hiện hàng trăm cuộc càn quét, rải chất độc hoá học, dùng pháo đài bay B52 rải thảm hòng bao vây tiêu diệt cách mạng tại đây. Do vị trí chiến lược cực kỳ đặc biệt, Bời Lời thuộc vùng tam giác sắt ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn (Trảng Bàng - Củ Chi - Bến Cát) nên bom đạn của địch đổ xuống vùng đất này hết sức tàn khốc.
Với ý nghĩa giá trị lịch sử trên, di tích căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia tại Quyết định số 02/QĐ-BVHTT, ngày 26.1.1999.
Ngày 27.7, tôi cùng ông Định đến Khu di tích lịch sử - văn hoá Bời Lời. Theo ông Định, thời điểm miền Nam chìm trong khói lửa chiến tranh, trong rừng Bời Lời có Trạm xá C23, thuộc Trung đoàn 208 trú đóng. Nhiệm vụ của Trạm xá là cứu chữa cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ ở rừng Bời Lời. Ông Định nhập ngũ năm 16 tuổi, đến năm 1972, ông được phân công nhiệm vụ y tá tại Trạm xá C23.
Theo lời chính trị viên Trung đoàn 208 Ngô Văn Phước, năm 1971- trước khi ông Định vào Trạm xá C23 nhận nhiệm vụ, nơi đây có 2 y tá tên Đảo và Khanh bị quân Mỹ bắn chết, quăng xác xuống hầm công sự.
Thời điểm đó, có một chiến sĩ cách mạng bị trúng đạn bể đầu gối, cần phẫu thuật. Ê kíp mổ gồm trưởng Trạm xá, chính trị viên ngồi lại với nhau hội chẩn việc xử lý vết thương. Các y tá chuẩn bị dụng cụ y tế, sát trùng vết thương của chiến sĩ để sẵn sàng cho ca phẫu thuật.
Đúng lúc đó, phát hiện quân Mỹ tấn công vào gần tới Trạm xá, một y tá tên Đức la lớn “Lính Mỹ kìa”. Bị lộ, lính Mỹ liền bắn vào Trạm xá. Anh Đảo, anh Khanh và thương binh trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Lính Mỹ quăng xác anh Đảo, anh Khanh xuống hầm công sự.
Năm 1973, cha của anh Đảo ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) đến rừng Bời Lời tìm kiếm thi thể của anh. Lúc đó, chính trị viên Ngô Văn Phước và ông Định dẫn ông đến hầm công sự, nơi hai anh Đảo và Khanh bị vùi chôn phía dưới.
“Lúc đó, cha của anh Đảo đến miệng hầm công sự thấy có mảnh áo ly-phăng màu xanh, ông ấy lấy nhánh cây vít mảnh áo lên xem xét và xác nhận đây là áo của anh Đảo. Tôi nhớ hoài hình ảnh đó”- ông Định nói. Theo lời ông Định, hầu hết những cán bộ chiến sĩ chứng kiến vụ việc đau lòng này đều đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu.
Vì vậy đến nay chưa rõ y tá tên Khanh quê quán ở đâu. Qua tìm hiểu, nhiều khả năng anh Khanh quê ở Hải Phòng- thành viên “Tiểu đoàn Cát Bi”, năm xưa đã từng tham gia chiến đấu chống Mỹ trên mặt trận Tây Ninh.
Ông Định vạch cây rừng tìm kiếm hầm công sự- nơi ông cho rằng anh Đảo và anh Khanh bị vùi chôn phía dưới.
Trăn trở của cựu chiến binh
Những năm sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, có nhiều đoàn chuyên môn, cựu chiến binh đến rừng Bời Lời tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông Định cùng với ông Trần Văn Bản, thành viên “Tiểu đoàn Cát Bi” Hải Phòng đã từng đến khu di tích và tìm kiếm được nhiều hài cốt đồng đội.
Ông Định cứ nghĩ rằng hài cốt của anh Đảo, anh Khanh đã được những đồng đội khác chỉ dẫn và bốc đi nên không chỉ cho đoàn của ông Trần Văn Bản. Những ngày gần đây, khi ông Định trở lại rừng Bời Lời thăm chiến trường xưa, thăm nơi Trạm xá C23 từng đóng quân, ông mới sực nhớ dưới hầm công sự còn có thi thể anh Đảo, anh Khanh bị vùi chôn. “Tôi chưa thông báo vụ việc với chính quyền địa phương hoặc các đoàn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”- ông Định nói.
Trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Lịch sử không lãng quên”, ông Định được mời lên sân khấu kể về ký ức chiến tranh. Nhân dịp này, cựu chiến binh Phùng Văn Định có nói về câu chuyện còn 2 hài cốt liệt sĩ bị chôn vùi dưới hầm công sự.
Đồng thời, ông Định cho hay, trong rừng Bời Lời hiện còn nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy xác. Vì vậy, ông Định bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh cho xây dựng nhà bia tưởng niệm ở khu di tích lịch sử này để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giao lưu với khán giả tại chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Lịch sử không lãng quên”, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận việc ông Định thông báo còn 2 hài cốt liệt sĩ dưới hầm công sự và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp tìm kiếm. Đối với việc xây dựng nhà bia tưởng niệm ở Khu di tích lịch sử Bời Lời, ông Trong cho hay, tỉnh đã có quy hoạch và xác định được vị trí xây dựng nhà bia, có thể sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Ông Trong cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 9 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 33.000 phần mộ của liệt sĩ ở 57 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, có 508 phần mộ liệt sĩ quê hương Hải Phòng đang chôn cất ở 7 nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó có hơn 11.000 phần mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin, hơn 9.700 phần mộ có một phần thông tin và còn hơn 9.400 phần mộ chưa có thông tin.
Đối với công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ ở Tây Ninh, các ngành, các cấp xem là nhiệm vụ đặc biệt. Vào các dịp lễ, tết và những ngày trọng đại của đất nước, Tây Ninh đều tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa cũng như thực hiện các chính sách đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ. Hằng năm, Tây Ninh đều đầu tư kinh phí rất lớn cho việc chăm lo, nâng cấp các phần mộ liệt sĩ, xem đây là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ năm 2014, Tây Ninh thành lập Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đến nay đã tìm kiếm được gần 5.000 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và chiến trường Campuchia. Trong đó, có khoảng 123 hài cốt, một hố chôn tập thể và một bãi mộ tập thể trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, Tây Ninh đều tổ chức lễ truy điệu để đưa các chiến sĩ hy sinh về với đất mẹ, về bên đồng đội của mình.
Đại Dương
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong khẳng định: “Việc tìm kiếm hài cốt và tri ân đối với anh hùng liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới”.