Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) - Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 và sau đó là kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 và sau đó là kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Những ngày qua, người trong ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc về tên gọi của kỳ thi. Bởi, theo quy định hiện hành, cách đánh giá xếp loại học sinh đã thay đổi so với trước, không còn tên gọi học sinh giỏi. Vậy, tiếp tục đặt tên kỳ thi chọn học sinh giỏi liệu có còn phù hợp?
Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT trao bằng khen của UBND tỉnh cho các em học sinh đạt giải học giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024.
Ảnh: Ngọc Bích
Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 20.7.2021 đã áp dụng ở các lớp 6, 7, 8, 10, 11 ở các năm học vừa qua. Năm học này (2024 - 2025), toàn bộ các cấp học, bậc học từ lớp 1 đến lớp 12 đều học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nghĩa, quy định về đánh giá, xếp loại theo Chương trình 2000 và 2006 không còn tồn tại.
Thay đổi cách đánh giá, xếp loại
Theo quy định mới, các môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức gồm đạt, chưa đạt. Những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ được đánh giá theo một trong bốn mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Việc xếp loại học lực theo 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt cho thấy mức cao nhất học sinh đạt được là mức “tốt”. Học sinh được xếp loại học lực “tốt”, không còn khái niệm học sinh giỏi.
Đội tuyển Tây Ninh thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023
Trước đây, theo Chương trình 2000 và 2006, học lực của học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được xếp ở các loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và sau này thêm Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi).
Năm học 2024-2025, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi) không còn hiệu lực, điều đó có nghĩa trong nhà trường không còn khái niệm “học sinh giỏi”, chỉ còn “học sinh tốt”. Vì thế, theo lý thuyết, tên gọi “kỳ thi chọn học sinh giỏi” trước đây phải đổi thành “kỳ thi học sinh tốt” mới phù hợp với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Câu hỏi đặt ra là thay “kỳ thi chọn học giỏi” bằng “kỳ thi chọn học sinh tốt” có hợp lý không? Và, có nên đổi tên gọi không?
Chưa có chủ trương
Trao đổi về vấn đề nêu trên, lãnh đạo Phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin Sở GD&ĐT cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương đổi tên gọi kỳ thi chọn học sinh giỏi. “Trước mắt, ngành vận dụng quy định hiện hành về kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp”- lãnh đạo Sở cho biết.
Quy định hiện hành chính là Thông tư 17 do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2023 về thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Theo tinh thần của thông tư này, hằng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức hai kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (gọi tắt là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic). Mỗi sở GD&ĐT, mỗi đại học, trường đại học (không thuộc đại học) có trường THPT tổ chức giảng dạy chương trình chuyên sâu là một đơn vị dự thi. Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc được đăng ký là một đơn vị dự thi.
Đối tượng dự thi (đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) gồm: học sinh đang học THPT, có xếp loại rèn luyện (hoặc hạnh kiểm) và học tập (hoặc học lực) từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi. Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi trong một năm học.
Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, học sinh đang học THPT và thuộc một trong các diện sau đây: Được Bộ GD&ĐT tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm học theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo điểm thi, bảo đảm số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá tám lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó. Thí sinh không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm học, nhưng đã là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế trong năm học liền kề trước đó.
Giấy chứng nhận trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bao gồm: Giấy chứng nhận học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi.
Có thể thấy, Thông tư 17 vẫn gọi tên truyền thống là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và giấy chứng nhận cũng mang tên gọi này, không có khái niệm “thi chọn học sinh tốt quốc gia”. Và, để có mặt trong đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia và các kỳ thi cao hơn, học sinh phải dự thi ở cấp tỉnh, thành phố trước. Điều này có nghĩa, bản chất và tên gọi kỳ thi chọn học sinh giỏi không thay đổi.
Việt Đông
Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo từng học kỳ và cả năm học:
Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong bốn mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Mức tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông và có nhiều biểu hiện nổi bật.
Mức khá: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức tốt.
Mức đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
Mức chưa đạt: Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, điểm trung bình môn học kỳ được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ. Điểm trung bình môn cả năm được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong bốn mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt (trích Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT).