Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Tại Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải cùng lãnh đạo ngành Giáo dục tham dự ở các điểm cầu khác nhau.
Kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Sau báo cáo của Bộ GD&ĐT, phát biểu tại cuộc họp, ông Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chế độ mới về học phí, vì Nghị định 86 đã hết hiệu lực.
Ông Nguyễn Đức Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí biên chế vì toàn tỉnh đang thiếu 8.000 giáo viên, chủ yếu giáo viên mầm non, tiểu học. “Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với cấp THPT thêm một đến hai năm, vì dịch bệnh, địa phương chưa thể chuẩn bị chu đáo cho việc thay sách, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu ý kiến.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc tinh giảm biên chế 10% đối với ngành Giáo dục là chưa hợp lý, vì ngành này khác cơ quan hành chính, không thể giảm theo cách cào bằng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tính toán đến việc tiêm vaccine cho học sinh THPT trong năm học mới.
Bà Y Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên, tỉnh này đang thiếu hơn 1.600 giáo viên, trong đó thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Tin học. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, việc sắp xếp lại trường lớp đang rất khó khăn, vì địa hình miền núi, chia cắt, điểm phụ cách điểm chính rất xa.
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc tổ chức học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn, vì địa phương có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao. “Dừng đến trường nhưng không dừng học, thật sự rất khó thực hiện, vì thế, phải tiêm vaccine cho học sinh để các cháu đến trường” - lãnh đạo tỉnh Gia Lai nêu ý kiến.
Ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, do dịch bệnh đang căng thẳng, địa phương xác định học sinh không thể học trực tiếp tại trường trong năm học mới, phải chuyển sang học trực tuyến cùng các hình thức học khác qua mạng đến hết học kỳ 1, kể cả học sinh tiểu học.
TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu miễn, giảm học phí và nghiêm cấm tuyệt đối tình trạng lạm thu. TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét kéo dài năm học, vì dẫu sao học trực tuyến cũng không thể thay thế dạy học trực tiếp.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long, cần xem xét việc thực hiện công bằng trong giáo dục, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế để các cháu được đến trường. Vĩnh Long tán thành ý kiến của Nghệ An là Bộ GD&ĐT xem xét tạm lùi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT và đề nghị tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi để các cháu yên tâm đến trường.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, tỉnh này quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông trong năm học 2021 - 2022. Quảng Ninh thiếu hơn 3.000 giáo viên nhưng cũng thừa nhiều giáo viên ở nhiều môn học, do đó, tỉnh đang xem xét điều động, bố trí giáo viên cấp THCS xuống dạy tiểu học. Việc chuyển trường công lập sang tư thục, lãnh đạo Quảng Ninh kiến nghị, để làm được điều này, phải sửa Luật Giáo dục năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên.
Tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ngành Giáo dục quán triệt sâu sắc nghị quyết đại hội 13 của Đảng về công tác giáo dục đào tạo. Ngành giáo dục cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc của ngành trong giai đoạn vừa qua để hướng tới sự phát triển trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt hoan nghênh những ý kiến góp ý thẳng thắn của đại biểu tham dự hội nghị. Theo Thủ tướng, trong giáo dục, học sinh là trung tâm nhưng nhà trường phải là nền tảng, vì nền tảng không tốt sẽ ảnh hưởng đến trung tâm. Thầy giáo phải là động lực, thầy dạy giỏi học sinh mới thích học.
Thủ tướng biểu dương sự cố gắng của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng đánh giá, giáo dục Việt Nam đã và đang được cải thiện, nhiều học sinh đạt giải quốc tế. “Tôi thật sự xúc động khi thủ khoa khối A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một cháu học sinh ở tỉnh Bắc Giang có hoàn cảnh khó khăn, ở với bà”- người đứng đầu Chính phủ bày tỏ tình cảm.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt biểu dương hệ thống trường đại học đào tạo về y khoa, nguồn nhân lực này đang ra sức chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm. Hội nhập giáo dục quốc tế, đặc biệt ngoại ngữ và tin học, Thủ tướng đánh giá vẫn còn hạn chế, bởi trong mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế, có quan hệ về lao động.
Câu hỏi người dân đặt ra lúc này là khi nào học sinh có thể trở lại trường để học? “Chính phủ đang lên kế hoạch cho năm học mới theo tinh thần an toàn cho trường học. Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp để tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi được tiêm đủ hai mũi, học sinh có thể đến trường học bình thường. Đối với học sinh ở vùng dịch có màu đỏ, vàng vẫn phải tạm thời học trực tuyến”- Thủ tướng lưu ý các địa phương.
Vấn đề tổ chức, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xem xét, sắp xếp trường lớp thật hợp lý, vì hiện nay còn nhiều bất cập, có điểm trường chỉ vỏn vẹn 7 học sinh nhưng lại có 9 giáo viên. Không được để học sinh thất học, ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên nhưng phải cơ cấu lại trường lớp thật hợp lý, tránh lãng phí. Tỉnh nào cũng kiến nghị tăng số lượng giáo viên, bình quân mỗi tỉnh, thành phố chỉ cần bổ sung 1.500 giáo viên thì cả nước phải tăng thêm gần 100 ngàn giáo viên.
Tại Tây Ninh, trao đổi riêng với phóng viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, trong những ngày đầu của năm học 2021 - 2022, học sinh sẽ học qua mạng, chưa thể học trực tiếp vì dịch bệnh đang phức tạp. Khi dịch bệnh lắng xuống, điều kiện cho phép dạy học trực tiếp, nhà trường sẽ củng cố lại kiến thức cho học sinh.
Đ.V.T