Tuyến đường số 13, đường Bời Lời được nâng cấp, mở rộng.
Ở Tây Ninh, có một địa phương với khoảng 80% dân số là người từ miền Trung di cư vào từ những năm 1960. Đó chính là phường Ninh Sơn, thành phố (TP. Tây Ninh). Người dân quen gọi Ninh Sơn là xóm Trung, ý chỉ là nơi ở của nhiều người miền Trung tại Tây Ninh. Sau hơn 60 năm hình thành và phát triển, xóm Trung ngày nay đã có nhiều chuyển biến về cơ sở vật chất cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Có một xóm Trung bình dị tại Tây Ninh
Ông Tô Nguyễn Nhị Linh- Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn cho biết, từ những năm 1960, người dân ở các tỉnh miền Trung di cư vào miền Nam sinh sống. Trong đó, Tây Ninh là nơi được lựa chọn nhiều nhất. Vào đến Tây Ninh, người từ miền Trung được đạo Cao Đài cấp đất ở chủ yếu tập trung tại khu vực phường Ninh Sơn (trước đó là xã Ninh Sơn).
Theo điều tra dân số mới đây, tỷ lệ người dân gốc miền Trung chiếm khoảng 80% dân số trên địa bàn phường Ninh Sơn với gần 23.000 nhân khẩu. Trong đó, đa số là người miền Trung di cư từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên...
Thời gian đầu, xóm người Trung sống khép kín, ít giao tiếp với dân bên ngoài vì lo ngại bị kỳ thị. Do chất giọng người miền Trung vẫn còn xa lạ với người dân bản địa. Từ những năm 2000 trở lại đây, cộng đồng người Trung ở Ninh Sơn có phần cởi mở hơn.
Ông Linh nhận định, người Trung nổi tiếng cần cù, chịu khó làm ăn. Di cư vào vùng đất mới với hai bàn tay trắng, người miền Trung hầu hết đều rất chăm chỉ làm việc và sống tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt, khi vào Tây Ninh, người Trung còn mang theo một số ngành nghề truyền thống như chằm nón lá, bó chổi, làm các loại bánh đặc trưng của miền Trung... Qua đó, làm phong phú các loại hàng hoá, đặc sản của vùng đất Ninh Sơn.
Di cư vào Tây Ninh và cảm nhận cuộc sống tại đây khá ổn định, nhiều gia đình còn “rủ rê” họ hàng vào theo. Kết quả, phường Ninh Sơn là địa phương có nhiều gia đình người Trung có quan hệ họ hàng. Mọi người trong khu dân cư đều quen mặt và sống chan hoà với nhau.
Trong ký ức của ông Huỳnh Cao Miên (sinh năm 1952), ngụ khu phố Ninh An, cảm nhận đầu tiên khi ông cùng gia đình đặt chân đến đất Ninh Sơn vào năm 1965 là nơi đây vẫn còn hoang sơ và ít người ở. Gia đình ông Miên là người gốc Bình Định. Ông Miên vào Tây Ninh theo đại gia đình gồm có ông nội, ba mẹ và 6 anh chị em của ông. Ở tuổi 13, ông Miên nhớ khá rõ những sự việc xung quanh mình.
Ông Huỳnh Cao Miên sinh sống, gắn bó với mảnh đất Ninh Sơn đã hơn 50 năm.
Ông Miên kể: “Thời điểm ấy, người Trung vào Ninh Sơn chỉ có đất ở, nhà thì xây dựng đơn sơ. Nhiều người phải tự đi khai hoang đất để làm ruộng, rẫy. Người thì đi làm mướn, mót mì... Cuộc sống lúc bấy giờ rất vất vả, ai cũng khó khăn, thiếu thốn.
Bù lại, ở Ninh Sơn khi ấy rất yên bình và giản dị. Có an cư thì mới lạc nghiệp. Người Trung cảm thấy hài lòng với nơi ở mới tại Tây Ninh. Sau hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất này và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của xóm Trung. Tôi đã yêu quý và xem Ninh Sơn là quê hương thứ hai của mình”.
Với ưu điểm thông thạo địa bàn và hiểu rõ từng hộ dân cư, ông Miên đã có hơn 20 năm làm Tổ trưởng tổ dân cư tự quản tại khu phố Ninh An. Ngoài ra, ông Miên còn đảm nhiệm chức Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố Ninh An hơn 10 năm nay.
Xóm Trung còn nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống. Đây là nghề được người Trung mang từ quê vào Tây Ninh. Chị Võ Thị Thuý Hà (sinh năm 1981, ngụ khu phố Ninh Trung), cho biết, gia đình chị là một trong những hộ làm nón lá lâu năm tại Ninh Sơn. Từ lúc lên 6 tuổi, chị Hà đã biết chằm nón lá phụ gia đình.
Chị Hà chia sẻ: “Trước đây, người dân nào ở Ninh Sơn cũng biết chằm nón, từ già đến trẻ, phụ nữ hay đàn ông. Tôi còn nhớ như in hình ảnh hai, ba gia đình cùng nhau tụ họp chằm nón, bọn trẻ con thì chơi đùa vui vẻ”.
Chị Hà cho biết thêm, nghề chằm nón thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng với bản tính cần mẫn, chịu thương chịu khó, làm đồng về, các gia đình trong xóm thường tranh thủ chằm thêm nón lá để có thêm ít tiền. Ngày nay, nghề chằm nón không còn phát triển như trước vì làm cực nhưng tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Hiện chỉ còn một vài hộ làm nón lá lâu năm ở Ninh Sơn giữ nghề truyền thống này.
Người xóm Trung còn mang vào Tây Ninh hoặc sáng tạo nhiều món ăn độc đáo, nổi tiếng với giá cả siêu rẻ mà chẳng nơi nào ở Tây Ninh có được. Khoảng hơn chục năm trước, các món ăn tại Ninh Sơn có giá chỉ vài ngàn đồng một phần ăn vừa đủ no bụng. Đến nay, hầu hết những quán ăn bình dân ở Ninh Sơn đều có giá rẻ hơn mặt bằng chung.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Châu Đờn (sinh năm 1964), ngụ khu phố Ninh An cho biết, ngày xưa, mới vào Tây Ninh, đời sống người dân ở đây rất khó khăn. Họ phải dè dặt trong chi tiêu mới có đủ tiền lo cho gia đình. Chính vì vậy, các hàng quán tại Ninh Sơn thường bán giá rất rẻ nhằm chia sẻ khó khăn với bà con, ăn no mà tiết kiệm.
Để có giá rẻ hơn thị trường, người bán thường lấy công làm lời, các nguyên liệu như bún, bánh canh đều tự làm tại nhà. Bù lại, các quán ăn giá rẻ rất được người dân ủng hộ, nhờ đó người bán không bị lỗ vốn mà còn có lời để duy trì.
Quy trình làm bún nước của một quán bún nước tại Ninh Sơn.
Từ năm 2006 đến nay, gia đình ông Đờn kinh doanh món bún nước tại nhà. Theo ông Đờn, món ăn đặc trưng của người Trung ở Ninh Sơn là món bún nước được bán với giá rất rẻ. Món ăn chỉ có bún và nước cùng gia vị là muối chay/mặn, hành, ớt nhưng thu hút được người dân trong và ngoài địa phương đến thưởng thức. Bí quyết của món ăn này nằm ở chỗ bún do nhà tự làm và ép trực tiếp trong lúc bán. Nước dùng của bún cũng chính là nước luộc bún khi mới ép xong.
Ông Đờn cho biết, lúc quán mới ra đời, bún có giá chỉ 1.000 đồng/tô. Dần dần, giá mỗi tô bún nước có tăng nhưng vẫn rất thấp. Hiện tại, quán của ông Đờn bán một tô bún nước với giá chỉ 7.000 đồng. Vào ngày ăn chay của đạo Cao Đài, quán của ông đông khách hơn.
“Là người sống lâu năm ở Ninh Sơn, theo tôi, cuộc sống ở xóm Trung rất bình dị. Người dân tương đối đơn giản, không cầu kỳ, khoa trương. Khoảng 10 năm trở lại đây, người Trung và người Tây Ninh có sự giao thoa về văn hoá, công việc, đời sống nên người Trung cũng dần sống theo phong tục, tập quán của người Nam. Không còn nặng lối sống người Trung như xưa”.
Nhiều thay đổi tích cực
Năm 2013, phường Ninh Sơn được thành lập, trở thành một trong những phường nội thành tại TP. Tây Ninh. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của phường Ninh Sơn cho đến hôm nay.
Từ khi được nâng lên phường, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, các khu vui chơi giải trí được hình thành, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Kéo theo đó, các ngành nghề kinh doanh buôn bán phát triển hơn.
Phường Ninh Sơn cũng được ưu ái về du lịch, trên địa bàn có 2 địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh gồm Khu di tích lịch sử văn hoá - danh thắng và du lịch núi Bà Đen và Khu du lịch Long Điền Sơn. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Khu du lịch núi Bà Đen được đầu tư xây dựng hoành tráng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, hành hương. Theo đó, người dân trên địa bàn cũng linh động để kinh doanh buôn bán. Không ít hộ dân vì đầu tư đúng cách đã có cuộc sống khá giả hơn trước.
Ông Tô Nguyễn Nhị Linh- Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn cho biết, theo kế hoạch từ năm 2025 đến năm 2030, phường Ninh Sơn tập trung triển khai hệ thống thoát nước và chỉnh trang ở tuyến đường Bời Lời. Nếu nâng cấp được tuyến đường này, phường Ninh Sơn sẽ ngày càng khang trang, nhộn nhịp hơn.
Chị Thuý Hà và mẹ giữ nghề làm nón lá.
Mới đây, tuyến đường số 13, đường Bời Lời đã hoàn thiện, liên thông với tuyến đường Huỳnh Tấn Phát của phường Hiệp Ninh thuận tiện về giao thông, tạo sự thông thoáng cho người dân địa phương đi đến các phường khác của thành phố Tây Ninh.
Cụm dân cư tại tuyến đường cũng được giải toả, cơ cấu lại, tạo điều kiện để bà con ở khu vực này kinh doanh, buôn bán, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế và xây dựng đô thị văn minh của địa phương. Người dân Ninh Sơn rất vui mừng khi tuyến đường được khai thông.
Công tác chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền và nhân dân quan tâm sâu sát. Phường thường xuyên cập nhật danh sách hộ khó khăn để ưu tiên chăm lo. Hiện tại, phường về cơ bản không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo và định hướng xoá hẳn hộ cận nghèo trong năm 2023.
Trong thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phường tạo điều kiện để người dân ở địa phương khởi nghiệp từ nguồn hỗ trợ vốn khởi nghiệp của Thành phố. Qua đó, giúp các hộ khó khăn tăng thu nhập, từng bước ổn định đời sống. Ngoài ra, địa phương còn tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng dưa lưới, chăn nuôi vịt...
Bà Huỳnh Thị Ngọc Hằng (sinh năm 1970), ngụ khu phố Ninh An vui mừng thấy phường Ninh Sơn ngày càng phát triển. “Vài năm trở lại đây, Ninh Sơn thay đổi theo chiều hướng tích cực, thu hút người dân địa phương khác đến ở và buôn bán. Cuộc sống của xóm Trung ngày nay nhộn nhịp hơn hẳn. Tôi hy vọng trong thời gian tới, phường Ninh Sơn sẽ có nhiều sự phát triển hơn nữa”- bà Hằng nói.
Lê Thuỳ - Ngọc Bích