Mía chuẩn bị thu hoạch ở một nông trường (ảnh minh hoạ).
Niên vụ 2022-2023, ngành mía đường được nhiều chuyên gia dự báo tích cực, giá mía kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 VNĐ/tấn mía 10 CCS khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thương mại bằng hình thức áp thuế phòng vệ thương mại (PTVM) đối với 5 quốc gia khu vực ASEAN sau khi đã áp dụng đối với Thái Lan. Cùng với đó, giá đường trên thế giới duy trì ổn định mức 17 -18 cents/lb dù dự báo sản lượng đường thế giới có thể thặng dư nhẹ 1 - 2 triệu tấn.
Đan xen với những yếu tố tích cực về vĩ mô ngành là các yếu tố tiêu cực tổng thể chung khi các dự báo kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều thách thức: biến động chính trị, suy giảm kinh tế, lạm phát toàn cầu khiến các quốc gia thắt chặt chính sách chi tiêu, khiến nhu cầu hàng hoá suy giảm… sẽ tác động không nhỏ đến giá đường trong tương lai, khả năng cao chỉ duy trì theo mức hiện tại.
Hệ thống tưới mía hiện đại ở một nông trường (ảnh minh hoạ).
Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, lãi suất tăng nhanh trong thời gian ngắn gần đây, dự báo tiếp tục căng thẳng cho những tháng cuối niên độ 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và nhu cầu tiêu dùng sẽ sụt giảm.
Chiến tranh Ukraine – Nga kéo dài khiến giá cả vật tư phân bón tăng cao khi đây là các quốc gia chiếm gần 50% nguồn DAP, Kali của thế giới. Giá cả nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất tăng mạnh từ chi phí vận chuyển, logistic, vật liệu phụ. Ngành đường Việt Nam, đường lậu vẫn là một thách thức lớn gây ra sự suy giảm đối với giá đường trong nước…
Những khó khăn vĩ mô nêu trên làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất nông nghiệp, các cây trồng khác, trong đó có cây mía. Do vậy, dự báo giá đường và giá mía sẽ khó tăng theo kỳ vọng của các chuyên gia, có thể chỉ tăng khoảng 30.000 - 50.000 VND tấn mía, tương đương 40% - 50% mức giá dự báo so với bình quân của vụ 2021-2022. Đặc biệt là khi giá vật tư nguyên vật liệu sản xuất tăng, sức mua suy giảm và áp lực đường lậu là hiện hữu rất lớn cho những tháng cuối năm.
Sơn Anh