Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Để sản phẩm ocop Tây Ninh vươn xa 

Thứ ba - 21/12/2021 22:38
BTN - Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hoá địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Các cơ quan, ban, ngành tham quan sản phẩm bánh tráng của Công ty TNHH Tân Nhiên.

Cây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vào các chương trình hội chợ, triển lãm, giới thiệu chuyên đề đặc sản vùng miền, mua bán trực tuyến, xúc tiến thương mại gắn với du lịch... được coi là những hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP một cách rộng rãi, hiệu quả.

Nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm ocop

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao gồm: dưa lưới Hoàng Xuân, quả mãng cầu Natani, nước ép mãng cầu Vĩnh Xuân, rượu mãng cầu Vương Ngọc Vegan và bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên.

Phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của làng, xã, cộng đồng theo chuỗi giá trị.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, mới đây, Sở thông qua Hội Khoa học của Bộ VH,TT&DL về di sản văn hoá phi vật thể, nghệ thuật nấu các món chay trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các chủ thể sản xuất khẳng định thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường.

Tỉnh luôn mong muốn những sản phẩm OCOP có thể tiếp cận được khách du lịch, do đó, các chủ thể sản xuất phải có định hướng để người dân được trải nghiệm quy trình sản xuất những sản phẩm của cơ sở. Sở VH,TT&DL sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh triển khai những điểm du lịch nông thôn gắn với cơ sở sản xuất, đưa sản phẩm OCOP phát triển hơn trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Mỹ Khánh- Giám đốc Công ty TNHH Thanh niên xung phong cho biết: “Các chủ thể sản xuất đã đầu tư tâm huyết vào sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng là quá trình rất dài.

Chính vì vậy, tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất mở cửa hàng trưng bày sản phẩm; thành lập diễn đàn giới thiệu sản phẩm, giao thương, giao lưu trực tuyến để kết nối được nhiều đối tác trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các sản phẩm có thêm nhiều thị trường mới”.

Ngoài ra, bà Khánh còn kiến nghị các sở, ban, ngành đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung; thành lập câu lạc bộ liên kết các chủ thể sản xuất để trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc liên kết thúc đẩy phát triển cho từng sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, thông tin kết nối sản phẩm gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Thành Đời- Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh sản phẩm đến các du khách; đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại Tây Ninh quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Xem phát triển sản phẩm Ocop là nhiệm vụ quan trọng

Tại hội nghị Sản phẩm OCOP Tây Ninh - Nâng tầm sản vật địa phương, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Đại học Khoa học Xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, như: nhà sản xuất, chủ thể tham gia chương trình phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp lấy ý kiến người tiêu dùng và đối tác; không ngừng cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm; tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại; xác định thị trường mục tiêu; kết nối cộng đồng trong quá trình sản xuất, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Đối với nhà tiêu thụ, cần đề xuất quy trình thu mua sản phẩm OCOP; đề xuất các điểm bày bán sản phẩm tại địa phương; đưa hàng hoá vào các điểm bán hàng hiện tại; phối hợp với địa phương và tư vấn chuẩn hoá sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhà tiêu thụ.

Đối với nhà tư vấn, tập huấn nâng cao nhận thức lãnh đạo địa phương, cộng đồng về chương trình OCOP; kết nối các bên liên quan trong xây dựng sản phẩm và xúc tiến thương mại; gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là năm thứ 2 tỉnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm OCOP phải đạt được tiêu chuẩn nhất định, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; sản phẩm của địa phương do doanh nghiệp và người dân địa phương sản xuất, mang dấu ấn của địa phương; sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác và câu chuyện sản phẩm… góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực; đa phần chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để sản phẩm OCOP vươn xa hơn, các chủ thể sản xuất phải xác định nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hoá địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Các cơ quan, ban, ngành tham quan sản phẩm rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan.

Đối với sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, các sở, ban, ngành cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật; mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường; sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng.

Đối với sản phẩm tiềm năng, cần tập trung hỗ trợ, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống; hỗ trợ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hoá theo chuỗi giá trị; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; hỗ trợ cơ sở hạ tầng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ; đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Nhi Trần

Giai đoạn 2021-2025: Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao (bao gồm các sản phẩm đã được công nhận năm 2020). Có ít nhất 55 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 76% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định (so với tổng số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận).

Giai đoạn 2025-2030: Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 130-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 25 sản phẩm OCOP đạt 5 sao (bao gồm các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020-2025). Có ít nhất 70 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 85% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp