Kênh tiêu Tân Hiệp, huyện Tân Châu là một trong những dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng phục vụ cho công tác thi công ( ảnh minh họa)
Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) tỉnh, huyện với chức năng, nhiệm vụ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh; hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề nhân sự của các TTPTQĐ cũng là một bài toán khó để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả cao.
Phần lớn các TTPTQD các huyện, thị xã, thành phố, số lượng biên chế ít - bình quân khoảng 9 - 10 người, trong khi số lượng dự án cần giải phóng mặt bằng ngày càng tăng, rất khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Một số viên chức chưa bảo đảm về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như năng lực công vụ.
Để “chữa cháy", một số TTPTQĐ ký hợp đồng lao động theo từng vụ việc và theo thời gian nhất định (theo từng dự án và sử dụng nguồn kinh phí được trích 2% của dự án để chi trả) nên người lao động không an tâm, nhiệt tình trong công tác.
Bất cập là, nguồn kinh phí được trích (2%) từ các dự án rất lớn, nhưng việc sử dụng hạn chế do phải bảo đảm thực hiện đúng theo Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15.5.2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cụ thể là không được sử dụng để chi trả lương, phụ cấp; mua sắm các trang thiết bị (Thông tư quy định phải thuê); không được trích lại để cải cách tiền lương, tăng thu nhập quỹ phúc lợi, quỹ hoạt động sự nghiệp… Nếu sử dụng không hết kinh phí (2%) phải trả lại chủ đầu tư.
Dự án đường 795 ( Tân Biên – Tân Châu) nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên đơn vị thi công thuận tiện thi công ( ảnh minh họa)
Do đó các đơn vị không có nguồn để đầu tư thêm hoặc thay thế các trang thiết bị phục vụ công việc; không thể trả lương, thưởng, tăng thu nhập cho người lao động dài hạn hoặc để phát triển hoạt động sự nghiệp, khuyến khích người lao động.
Mặt khác, thời gian qua viên chức của các TTPTQĐ chưa được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Những khó khăn trên, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là khi tỉnh và các địa phương tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Một số chủ đầu tư chia sẻ, đôi khi họ và nhà thầu thi công nóng ruột do không có mặt bằng thi công nhưng tất cả đều hiểu rằng, TTPTQĐ các địa phương lực lượng mỏng, dù rất nhiệt tình nhưng cũng không giải quyết xuể.
Dự án đường 794 ( huyện Tân Châu) hiện nay đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ ( ảnh minh họa)
Do đó cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên môn trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng; Tiếp tục rà soát củng cố, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập TTPTQĐ các huyện, thị xã, thành phố theo nguyên tắc, một đơn vị có thể cung ứng nhiều loại hình dịch vụ công; bảo đảm số người làm việc tối thiểu trong một đơn vị để đáp ứng yêu cầu thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án có thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý nhà nước tại các cơ quan, đơn vị các cấp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hệ thống kênh Tây Vàm Cỏ dù khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn nhưng đến nay đã về đích đúng tiến độ ( ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tỉnh cần xem xét kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15.5.2015 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng mở để các Trung tâm có thể sử dụng khoản trích (2%) từ các dự án cho việc chi trả lương, phụ cấp, mua sắm các trang thiết bị...
Đồng thời tiếp tục rà soát để kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể, thống nhất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thế Nhân