Cán bộ kỹ thuật ngành Điện ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Lộ trình chuyển đổi số được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2022 với các mục tiêu xây dựng văn hoá số thực hiện chuyển đổi số ở một số hoạt động nghiệp vụ để giải quyết các bài toán hiện tại và xây dựng các nền tảng cơ bản phục vụ chuyển đổi số phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN.
Giai đoạn 2023-2025, trên cơ sở đã triển khai ở giai đoạn 1, Công ty Điện lực Tây Ninh sẽ triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ cùng với việc nghiên cứu một số dịch vụ mới phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao và hiệu quả tốt nhất.
Đến nay, Công ty Điện lực Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số bám sát định hướng chung của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, xác định rõ mục tiêu ứng dụng nghệ thông tin và tự động hoá để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng.
Kế hoạch và mục tiêu chuyển đổi số bao gồm: lấy khách hàng/người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến minh bạch; tự động hoá các quy trình nội bộ và cộng tác với khách hàng/đối tác; vận hành thích ứng với nền kinh tế số trong giai đoạn mới; triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp của Tổng Công ty Điện lực miền Nam theo lộ trình, tiến độ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các phần mềm đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của công ty; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin…
Từ kế hoạch mục tiêu trên, công ty đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ, lựa chọn các nội dung trọng tâm chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2022, tính đến năm 2025, gồm:
Về lĩnh vực kỹ thuật: mở rộng và tối ưu hoá quy trình nghiệp vụ trên hệ thống PMIS nhằm nâng cao năng lực quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư: hoàn tất triển khai áp dụng công cụ tích hợp dữ liệu đầu tư xây dựng từ phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS.
Về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng: hoàn thành mở rộng tối ưu hoá quy trình nghiệp vụ trên hệ thống CMIS 3.0 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng.
Về lĩnh vực quản trị nội bộ văn phòng: hoàn thiện ứng dụng hệ thống HRMS đáp ứng định hướng quản trị nguồn nhân lực của EVN trong toàn công ty; nâng cao quản trị văn phòng số (Digital Office); mở rộng hệ thống ERP; nghiên cứu và triển khai hệ thống ERP đáp ứng chuẩn mực kế toán quốc tế trên nền tảng Oracle ERP…
Về lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hoá: công ty tập trung nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ CNTT; xây dựng chức năng áp dụng chữ ký số cho toàn bộ quy trình báo cáo điện tử trên các phần mềm dùng chung của công ty.
Với việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực trên, việc chuyển đổi số mang lại lợi ích rất lớn cho công ty, cụ thể: nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; thu thập cơ sở dữ liệu nâng cao, quản lý tài nguyên dữ liệu tốt hơn; tăng năng suất lao động; tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và phục vụ khách hàng sử dụng điện ngày càng tốt hơn với các dịch vụ điện đa dạng, tiện ích, sử dụng nhanh chóng và hiệu quả.
AN KHANG