Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh tham gia tại điểm cầu Tây Ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh tham gia tại điểm cầu Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Trong những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nội tại phát triển, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, phát triển không bền vững, việc lạm dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong sản xuất đã khiến cho nhiều diện tích canh tác dần trở nên bạc màu, giảm năng suất.
Theo Bộ trưởng, lâu nay, tư duy sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đi theo hướng lấy sản lượng bù chất lượng. Chính vì vậy, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản khá chật vật do không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Trong xu thế phát triển chung của thế giới, ngày càng chuộng các sản phẩm nông nghiệp “xanh”, nếu không thay đổi để thích ứng, ngành nông nghiệp Việt Nam khó hướng đến tăng trưởng bền vững trong tương lai. Người dân nông thôn là lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên, cơ sở hạ tầng, xây dựng phát triển khu vực nông thôn bảo đảm an ninh trật tự, xanh - sạch, đáng sống.
Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội.
"Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực.
Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm.
Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng.
Các định hướng phát triển tập trung vào phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, lực lượng lao động nông thôn có kiến thức phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là trung tâm và giữ vai trò chủ thể. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn là nơi đáng sống với môi trường xanh - sạch - đẹp, có hệ thống hạ tầng hiện đại và khả năng cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin tiệm cận với khu vực đô thị nhưng vẫn giữ hồn cốt văn hóa của nông thôn với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Theo báo cáo tại diễn đàn, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nông thôn tăng trung bình 7,3%/năm, tính theo giá thực kể từ năm 1978 nhưng chênh lệch thu nhập thành thị và nông thôn vẫn còn ở mức cao; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh trong 4 thập kỷ qua nhưng nhập khẩu lương thực và thực phẩm chỉ tăng từ năm 2000 đến nay; trong chiến lược và chính sách quốc gia về thu nhập nông thôn chuyển từ đánh thuế sang trợ cấp cho nông nghiệp từ năm 2004 nhưng trợ cấp độc lập với sản xuất, ít gây ảnh hưởng đến thị trường.
Về chiến lược quốc gia: Nông nghiệp xanh là bước chuyển đổi lớn nhất được bắt đầu từ năm 2017 khi Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phát triển nông nghiệp xanh giai đoạn 2018 - 2030. Theo đó, xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển nông nghiệp xanh và thúc đẩy các đổi mới khoa học - công nghệ nông nghiệp xanh. Năm 2021, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với 6 Bộ, ngành khác đã ban hành kế hoạch phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025).
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 1.10.2021 cũng đã giao Bộ NN-PTNT phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.
Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.
Trong những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian cho các đại biểu đóng góp ý kiến và đề ra những giải pháp để giúp nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp. Theo các đại biểu, thu nhập người dân nông thôn ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao.
Nông thôn Việt Nam đã có sự thay đổi về chất, ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực theo hướng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng khá. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào sâu rộng.
Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Những yếu kém nội tại như tính chuyên môn hóa chưa cao, sản xuất nhỏ lẻ... dù đã được khắc phục nhiều nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác bảo quản chế biến, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa ổn định. Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người tiêu dùng yêu cầu nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định.
Trong những diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội. Và hơn thế nữa, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Bộ sẽ giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ quan như Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản... những cơ quan liên quan để thực hiện từng bước hướng đến nông nghiệp xanh.
Minh Dương