Nâng cấp sữa chữa Quốc lộ 22B (ảnh chụp ngày 23.2.2019)
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh trả lời, trong thời gian qua, Tây Ninh đã được đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ kết nối với các tỉnh lân cận. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 154km (chiếm 1,86%), đây là các trục đường chính kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như vùng Đông Nam bộ.
Cụ thể, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), từ ngã tư An Sương (TP. Hồ Chí Minh) đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu), dài 59km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 28km với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m. Quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài, từ huyện Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, cửa khẩu chính Chàng Riệc (đều thuộc huyện Tân Biên), dài 104km, quy mô đường cấp III-IV.
Trong đó, đoạn từ huyện Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh dài 34km mặt đường bê tông nhựa, rộng từ 12m đến 16m, thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, dài 50km mặt đường bê tông nhựa rộng 7m, đoạn từ cửa khẩu quốc tế Xa Mát đến cửa khẩu chính Chàng Riệc, dài 2,1km, quy mô đường cấp IV, mặt đường láng nhựa rộng từ 6m đến 7m. Riêng đoạn km cuối tuyến mặt đường bê tông nhựa.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh 3 tuyến quốc lộ hiện có, tỉnh ta được quy hoạch bổ sung thêm 3 tuyến quốc lộ khác, gồm quốc lộ 22C, kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, bắt đầu từ đường vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước) thuộc tỉnh Bình Dương đến cửa khẩu chính Kà Tum, huyện Tân Châu. Quốc lộ 14C, kết nối Tây Ninh với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Long An và các tỉnh miền Tây. Tuyến đường này bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đến đường N2, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Nghi thức khởi công xây dựng đường, cầu kết nối tỉnh Bình Dương với Tây Ninh (ảnh chụp ngày 12.10.2020)
Quốc lộ 56B kết nối các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương với Tây Ninh, bắt đầu từ quốc lộ 56, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đến cửa khẩu chính Phước Tân, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Sau khi hoàn thành, 3 quốc lộ mới này sẽ nâng tổng chiều dài quốc lộ trên địa bàn tỉnh lên khoảng 500km (tăng 346km).
Giao thông đường bộ kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay chỉ có tuyến quốc lộ 22 (đường Xuyên Á). Tuyến đường này đầu tư đã lâu và đã mãn tải. Hiện nay các đoạn qua Hóc Môn, Củ Chi, Khu công nghiệp Trảng Bàng, đô thị Trảng Bàng và đô thị Gò Dầu thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Để phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Campuchia (hành lang có vai trò đặc biệt quan trọng, là hành lang đối ngoại của vùng, cũng như của cả nước. Đây là hành lang vận tải ngắn nhất kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh đến Campuchia và vào các nước ASEAN).
Năm 2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh thống nhất đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 1351/TTg-CN ngày 14.10.2019).
Hiện nay, lãnh đạo hai địa phương đã trao đổi, làm việc và thống nhất cùng quyết tâm thực hiện dự án, ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện; đang phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong năm 2021.
Dự án này đặt mục tiêu khởi công trong năm 2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025. Ngoài những tuyến đường nêu trên, hiện nay, trên địa bàn Tây Ninh còn có Dự án đường Hồ Chí Minh kết nối Tây Ninh với các tỉnh Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này có đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 21,7km. Hiện nay, tuyến đường chưa hoàn thành nên chưa khai thác sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có một số tuyến đường do các tỉnh, thành trong khu vực đầu tư kinh phí hoặc phối hợp thực hiện. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường giáp ranh giữa huyện Củ Chi với thị xã Trảng Bàng, hương lộ 10, đường Trung Hưng- Bàu Mây dài 3,1km; xây dựng 1 cầu nối từ cuối tuyến Hương lộ 12 bắc qua kênh Đông nối liền với đường suối Bà Tươi - Trảng Sa, đường Lộc Phước - Sông Lô đoạn cuối.
Xe cơ giới chuẩn bị tham gia thi công xây dựng đường, cầu kết nối tỉnh Bình Dương với Tây Ninh (ảnh chụp ngày 12.10.2020)
Tỉnh Bình Dương đầu tư tuyến đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương), trong đó xây đựng mới cầu bắc qua sông Sài Gòn, sẽ đưa vào sử dụng năm 2022. Bình Dương còn góp vốn gia cường đạt tải trọng khai thác tương đương HL93 cầu Sài Gòn (kết nối ĐT.781 với ĐH704) trong năm 2018, với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Bình Dương và Tây Ninh đã thống nhất bổ sung vào quy hoạch tổng thể giao thông vận tải của 2 tỉnh thêm 2 cầu vượt sông Sài Gòn để kết nối từ Tây Ninh đến Bình Dương. Tây Ninh phối hợp với Bình Dương, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng Bộ Giao thông Vận tải lập các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tây Ninh góp vốn cùng tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 kết nối Tây Ninh - Bình Phước và đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa hai tỉnh. Trong đó, tỉnh Tây Ninh đầu tư, nâng cấp tuyến đường ĐT.794 đạt tiêu chuẩn đường cấp II, mặt đường bê tông xi măng; đường ĐT.792 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, mặt đường láng nhựa 6m, nền 9m.
Tỉnh Long An, Tây Ninh đã hợp tác đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng các dự án hạ tầng giao thông kết nối, gồm: cầu Đường Xuồng (giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Long An); đường ĐT.786 đoạn từ cầu Truông Dầu đến cầu Đường Xuồng; đang đầu tư đường ĐT.838C, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Đầu tư hoàn thành bến phà Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh)- Lộc Giang (huyện Đức Hoà, Long An) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, thống nhất bổ sung vào quy hoạch tổng thể giao thông vận tải của 2 tỉnh bắc cầu qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến khách này.
Đại Dương