Nhu cầu điện năng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng lớn (ảnh minh hoạ).
Phát triển năng lượng tái tạo và sinh khối là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhận thức được vai trò của giải pháp này, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo thông qua việc ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của tỉnh ta về phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.
Dự kiến, tổng công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 đạt khoảng 3.500 MW, sản lượng điện phát đạt khoảng 5,95 tỷ kWh/năm.
Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo so với sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh tăng từ 24,33% năm 2020 lên khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 40% vào năm 2050.
Tỉnh ưu tiên phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và triển vọng thương mại tốt như điện mặt trời và điện sinh khối, thực hiện các biện pháp cần thiết để mở rộng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển với quy mô lớn của tỉnh vào năm 2030.
Tỉnh phấn đấu hầu hết các cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải cho mục đích năng lượng (khí sinh học) để tận dụng năng lượng cung cấp cho hoạt động tại cơ sở và khu vực lân cận; thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải cho mục đích sản xuất năng lượng nhằm xử lý chất thải hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo của địa phương; nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tận dụng nguồn nguyên liệu sinh khối sẵn có, bảo đảm cung cấp một phần nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phấn đấu phát triển Tây Ninh trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo của vùng Đông Nam bộ và của cả nước, đưa ngành năng lượng tái tạo đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh theo xu hướng ngày càng gia tăng.
Dự án điện mặt trời có quy mô lớn ở hồ Dầu Tiếng.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất có tính đến ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; khuyến khích mạnh loại hình điện mặt trời trên mái nhà - do loại hình này có nhiều ưu điểm (nguồn phát điện phi tập trung, ở tại ngay điểm có nhu cầu phụ tải, không cần đầu tư lưới truyền tải, không mất đất đai, quy mô thích hợp để huy động được nguồn vốn xã hội rộng rãi).
Đáng chú ý là tỉnh sẽ xây dựng các chương trình phát triển hệ thống điện độc lập từ năng lượng tái tạo và điện quy mô gia đình cho khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội, để đạt mục tiêu đến năm 2030 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng nguồn năng lượng sạch, hợp vệ sinh.
Một công trình điện mặt trời áp mái
Định hướng đến 2050, tỉnh tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh cũng khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững…
Có thể nói, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng lớn nhất và có thể xem là nguồn tài nguyên vô tận. Điện năng lượng mặt trời trong tương lai có thể thay thế các hình thức sản xuất điện khác từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch cũng như hạn chế thủy điện làm thay đổi hệ sinh thái...
Với nhiều lợi ích mang lại, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng này. Điện mặt trời thân thiện với môi trường, không làm biến đổi hoạt động của thiên nhiên như thủy điện, nhiệt điện; không thải ra khí độc CO2 ra môi trường; không gây tiếng ồn, hoặc tiếng ồn rất ít; không thải vật liệu thừa gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, điện mặt trời cũng có điểm hạn chế là phụ thuộc vào thời tiết (không thể thu được trong đêm), sử dụng nhiều diện tích không gian. Đối với giá điện sinh khối cũng chưa có sức hấp dẫn. Nếu trong tương lai, khi nhà nước có đề xuất giá tốt thì các nhà máy sẽ có các bài toán đầu tư phù hợp.
An Khang