Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cơ quan chức năng làm đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật - Báo Tây Ninh Online

Thứ tư - 10/08/2022 06:35
BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh tiếp nhận đơn của bà Tăng Thuý Phượng (sinh năm 1985, ngụ khu phố 2, phường 2, TP. Tây Ninh) đề nghị giúp đỡ giải quyết vướng mắc trong hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất.

Bà Phượng thắc mắc về phần diện tích phải thi hành án và phần còn lại là bao nhiêu để có thể xin cấp giấy CNQSDĐ. (ảnh chụp ngày 14.6.2022)

Bà Phượng trình bày, năm 1992, bà Tô Thị Ba (bà ngoại của bà Phượng) được chia thừa kế một số tài sản, trong đó có phần diện tích đất 864m2, toạ lạc tại đường Yết Kiêu, khu phố 2, phường 2, TP. Tây Ninh. Sau đó, bà Ba có cho bà Nguyễn Thị Phát (dì của bà Phượng) cất nhà ở tạm để buôn bán. Đến ngày 31.12.1992, bà Ba được UBND thị xã Tây Ninh (nay là thành phố) ra quyết định giao đất theo bản án và được Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trên diện tích đất 825,26m2. Năm 2010, bà Ba lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho bà Phượng, di chúc được chứng thực tại Phòng công chứng số 1 Tây Ninh.

Tuy nhiên, bà Phát cho rằng tờ di chúc trên không đúng quy định pháp luật vì ngày 20.7.1992, bà Ba có làm giấy cam kết cho đứt phần đất thổ cư có tứ cận như sau cho bà Phát: Đông giáp đường Yết Kiêu; Tây cặp hông nhà máy ra sát lộ đi; Nam giáp bờ rào cặp lộ đi nhỏ; Bắc giáp nhà máy chà lúa Hưng Quan. Do lúc cho đất, nhà máy chà lúa của gia đình bà Phát còn và phần đất bà Ba cho bà nằm trong phần đất lớn của bà Ba nên khi cho không ghi diện tích cụ thể là bao nhiêu mét mà chỉ ghi giáp nhà máy và các hướng của khu đất gia đình. Bà Phát đã làm nhà, công trình phụ trên diện tích 102,5m2 (chiều ngang 6,2m giáp đường Yết Kiêu, chiều dài 17,4m, theo biên bản đo đạc định giá ngày 28.3.2021), phần đất còn lại là đất trống có chiều dài 35,40m (giáp đường hẻm cuối đất) được bà sử dụng và sinh sống từ năm 1992 đến nay, không có tranh chấp. Khi bà Ba làm giấy cam kết cho đứt đất thổ cư cho bà Phát đã được UBND phường 2 xác nhận và chứng thực.

Khoảng tháng 10.2011, bà Ba mất; đến cuối năm 2011, bà Phát làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng không được cơ quan có thẩm quyền xem xét vì có tranh chấp giữa bà Phát và bà Phượng đối với phần đất mà bà Phát đang sử dụng. Vụ tranh chấp sau đó được ra Toà án các cấp xét xử bằng Bản án sơ thẩm số 37/2015/DS-ST ngày 23.4.2015 của TAND TP.Tây Ninh và Bản án phúc thẩm số 215/2015/DS-PT ngày 7.9.2015 của TAND tỉnh đã công nhận bà Phát được quyền sử dụng phần đất có diện tích thực tế là 311m2, có tứ cận như sau: hướng Đông giáp đường Yết Kiêu, chiều ngang 6,2m; hướng Tây giáp đường hẻm cuối đất, chiều ngang 5,58m; hướng Nam giáp đường hẻm bê tông, chiều dài 52,80m; hướng Bắc giáp đất của bà Phượng (đang quản lý theo di chúc), chiều dài 52,8m.

Sau khi bản án có hiệu lực, bà Phát đi kê khai đăng ký và được cấp giấy CNQSDĐ ngày 6.4.2016, số hiệu CĐ 390711, cấp giấy CNQSDĐ số CS 01171, thửa số 363, tờ bản đồ số 04 diện tích 311m2. Ngày 8.4.2016, bà Phát chuyển nhượng cho chị Nguyễn Thị Huyền Trân (ngụ quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) và chị Trân được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy CNQSDĐ ngày 19.4.2016, số hiệu CĐ 390367, vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số CS 01174, thửa số 363, tờ bản đồ số 04 với diện tích thực tế còn lại 309,6m2. Tuy nhiên, trên phần đất này, bà Phượng có xây dựng mái che bằng tole, cột sắt, nền xi măng diện tích 39,99m2, hàng rào và trồng một số loại cây nên chị Trân yêu cầu bà Phượng chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền sử dụng đất của chị.

Tại Bản án số 89/2019/DS-ST ngày 21.11.2019 của TAND TP.Tây Ninh quyết định, buộc bà Phượng di dời tài sản là mái tole, cột sắt nền xi năng diện tích 4,3m x 9,3m = 39,99m2, di dời hàng rào lưới B40 cao 1,8m x dài 32m trên đất của chị Trân. Buộc bà Phượng chấm dứt hành vi cản trở chị Trân thực hiện quyền sở hữu đối với phần đất thuộc giấy CNQSDĐ số hiệu 390367, số vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số CS 01174, thửa số 363, tờ bản đồ số 04 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 19.4.2016, đất toạ lạc tại khu phố 2, phường 2, TP.Tây Ninh, có tứ cận: Đông giáp đường Yết Kiêu, Tây giáp đường hẻm cuối đất, Nam giáp đường bê tông, Bắc giáp đất bà Phượng đang quản lý.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân được sở hữu cây trồng trên đất gồm 1 cây me trên 8 năm tuổi, 2 cây nguyệt quế, 1 cây bàng đường kính 40-45cm…; đồng thời có nghĩa vụ giao lại cho bà Phượng số tiền bồi thường giá trị cây trồng và hỗ trợ chi phí di dời là 6.634.000 đồng.

“Tôi không hề chống đối, chỉ xin phía cơ quan Thi hành án dân sự cho biết rõ diện tích phải thi hành án và phần còn lại của tôi là bao nhiêu, để tôi có thể xin cấp giấy CNQSDĐ. Nếu bản án tuyên đúng, vậy sao Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP. Tây Ninh lại từ chối hồ sơ đăng ký cấp mới? Xin các cơ quan chức năng hướng dẫn, giải thích cho tôi biết mình cần chuẩn bị những gì để được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đúng phần diện tích mà tôi đã sử dụng mà không hề liên quan đến diện tích tranh chấp như Toà án đã tuyên”- bà Phượng nói.

Trao đổi về vấn đề này, Cục Thi hành án dân sự cho biết, sau khi Bản án số 89/2019/DS-ST ngày 21.11.2019 của TAND TP.Tây Ninh có hiệu lực, bà Trân yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Tây Ninh thụ lý, ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành.

Cụ thể, gồm Quyết định thi hành án theo đơn số 164/QĐ-THA ngày 17.3.2022, bà Nguyễn Thị Huyền Trân đã tự nguyện giao cho bà Tăng Thuý Phượng số tiền bồi thường giá trị cây trồng và hỗ trợ chi phí di dời 6.634.000 đồng; Quyết định thi hành án theo đơn số 422/QĐ-THA ngày 20.8.2020 về khoản buộc bà Tăng Thuý Phượng di dời (tháo dỡ) tài sản là mái tole, cột sắt nền xi măng diện tích 4,3m x 9,3m = 39,99m2, di dời hàng rào lưới B40 cao 1,8m x dài 32m trên đất của bà Trân…

Hết thời gian tự nguyện, bà Phượng không thi hành án theo quy định. Để việc tổ chức thi hành án bảo đảm theo quy định, ngày 9.4.2021, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tây Ninh phối hợp cùng chính quyền địa phương, địa chính và đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh - Chi nhánh TP.Tây Ninh thực hiện khảo sát hiện trạng buộc di dời theo bản án tuyên.

Như vậy, việc chấp hành viên tổ chức thi hành là đúng nội dung bản án tuyên, phù hợp quy định tại Điều 20 và 46 Luật Thi hành án dân sự. Đối với yêu cầu của bà Phương xin được biết rõ diện tích phải thi hành, phần còn lại bao nhiêu để có thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không phù hợp với nội dung bản án và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Thi hành án dân sự. Do vậy, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tây Ninh từ chối không trả lời cho bà Phượng là có căn cứ.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh - Chi nhánh TP.Tây Ninh, căn cứ điểm 1.1 khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19.5.2014 quy định, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực). Như vậy, việc xác định ranh giới, mốc giới thửa đất có trách nhiệm của chủ sử dụng đất và các chủ sử dụng đất tứ cận.

Việc bà Phượng không chỉ ranh giới (xác định ranh giới) thửa đất mà mời các chủ sử dụng tứ cận xác định ranh giới của thửa đất là chưa đúng. Đồng thời, Văn phòng Đăng ký đất đai Tây Ninh - Chi nhánh TP.Tây Ninh hướng dẫn bà Phượng liên hệ bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị để nộp hồ sơ yêu cầu đo đạc, kèm theo giấy tờ nguồn gốc đất có liên quan đến thửa đất để được giải quyết.

THIÊN DI

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp