Thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 6.9.1997 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17.4.1998, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh. Sự ra đời của Trung tâm là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng để thực hiện chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên địa bàn.
Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 được thông qua với nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TGPL. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực, Sở Tư pháp Tây Ninh đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai các hoạt động TGPL bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Từ ngày 1.1.2018 đến ngày 30.6.2022, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực hiện 707 vụ việc TGPL cho 707 người được TGPL, trong đó 68 người có công với cách mạng, 44 người thuộc hộ nghèo, 2 người dân tộc thiểu số, 178 trẻ em, 318 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 22 người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 1 thân nhân của liệt sĩ có khó khăn tài chính, 2 người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính, 21 người cao tuổi có khó khăn về tài chính, 50 người khuyết tật có khó khăn về tài chính, 1 người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính. Các trợ giúp viên pháp lý, luật sư đã tham gia tố tụng 707 vụ và tư vấn pháp luật tại trụ sở hơn 1.000 ý kiến.
Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 527 vụ (chiếm 74%), luật sư thực hiện TGPL thực hiện 180 vụ (chiếm 26%). Số vụ việc TGPL hằng năm đều tăng từ 10% - 20%. Mặc dù những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng số người được TGPL vẫn tăng.
Việc tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng đã được Sở Tư pháp chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc TGPL, lấy người được TGPL, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong xét xử và tiếp cận công lý. Số lượng vụ việc thành công, hiệu quả chiếm gần 40% tổng số vụ việc TGPL, với 268 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (238 vụ tham gia tố tụng hình sự, 30 vụ việc tham gia tố tụng dân sự), trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 224 vụ việc (chiếm 83,58%).
Việc thẩm định vụ việc TGPL được Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện đối với 100% hồ sơ vụ việc hoàn thành (707 vụ), đạt chất lượng tốt. Đối với công tác quản lý chất lượng vụ việc TGPL, hằng năm, Sở Tư pháp đều ban hành kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc TGPL trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp tổ chức đánh giá 141 vụ việc TGPL, chiếm khoảng 30% trên tổng số vụ việc TGPL hoàn thành, trong đó hình sự là 97 vụ, dân sự là 44 vụ, đạt chất lượng tốt. Thông qua hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, công tác quản lý nhà nước TGPL được tăng cường, nâng cao hiệu quả, bảo đảm người dân đều được thụ hưởng môi trường pháp lý công bằng và chất lượng như nhau.
Đồng thời, việc Bộ Tư pháp ban hành tiêu chí cụ thể về vụ việc thành công, hiệu quả đã giúp cho Sở Tư pháp có cơ sở thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng, qua đó có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL, vinh danh, khích lệ người thực hiện TGPL.
Đồng thời, với việc đưa ra các tiêu chí để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công cũng góp phần giúp xã hội, cơ quan, tổ chức và người dân nhìn nhận rõ hơn về tác dụng của hoạt động TGPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Quá trình tổ chức TGPL, các cơ quan liên quan đã phối hợp tốt, đạt hiệu quả cao. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hai cấp trên địa bàn tỉnh trong quá trình giải quyết vụ án khi phát hiện có người thuộc diện TGPL đã thực hiện tốt việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã làm thông báo TGPL gửi cho Trung tâm TGPL nhà nước để cử người thực hiện TGPL theo pháp luật. Đồng thời, để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được TGPL trên địa bàn, Sở Tư pháp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực nhằm triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên toàn trực tuyến.
Thực tiễn công tác TGPL cho thấy, đây là chính sách hợp lòng dân, phù hợp với đạo lý của dân tộc, thể hiện tính ưu việt của pháp luật và của chế độ ta. Qua thời gian triển khai thi hành Luật TGPL năm 2006 góp phần chuyển tải được khái niệm TGPL sâu rộng cho nhân dân bằng nhiều hình thức.
Đến giai đoạn thi hành Luật TGPL năm 2017 thì bản chất TGPL được nâng lên một tầm cao mới, phù hợp với tình hình phát triển về công nghệ số như hiện nay. Chất lượng, dịch vụ TGPL được cải thiện. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều đặt vị trí của người được TGPL làm trung tâm để đánh giá, đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ TGPL so với dịch vụ cung cấp pháp luật của các tổ chức hành nghề luật sư.
Với mục tiêu nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo điều kiện cho các “nhóm xã hội yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo ra cơ chế công bằng trong mỗi công dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, tổ chức và hoạt động TGPL đã góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng việc thực thi dân chủ ở cơ sở.
LG. NGỌC LINH