Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các giải pháp hỗ trợ địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu.
Bộ thành lập hai tổ công tác đặc biệt phía Nam và phía Bắc để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; kết nối trên 1.400 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm ở phía Nam và xây dựng dữ liệu 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản phía Bắc.
Hai tổ công tác của Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt các địa phương triển khai thực hiện giải pháp duy trì sản xuất tại những vùng phải thực hiện giãn cách xã hội, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất tại những vùng không bị giãn cách nhằm phục vụ tiêu thụ tại chỗ; bù đắp, cung ứng cho các địa phương sản xuất thiếu hụt do giãn cách xã hội; chuẩn bị khối lượng nông sản phục vụ cho giai đoạn hậu dịch Covid-19, tết nguyên đán và phục vụ xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy đạt hơn 6.700 ngàn héc-ta, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. 8 tháng năm 2021, sản lượng rau các loại đạt khoảng 12,5 triệu tấn, tăng 2,2%.
Sản lượng thu hoạch trái cây (xoài, chuối, dứa, thanh long, cam, bưởi, nhãn, vải) cả nước đạt gần 6 triệu tấn, riêng khu vực phía Nam đạt gần 4 triệu tấn. Tổng đàn lợn ước khoảng 26,67 triệu con, tăng 4,5% so cùng kỳ.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt rên 4,5 triệu tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ (trứng), tăng 5% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thuỷ sản cả nước ước đạt gần 5.700 ngàn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020.
8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh chi phí lớn; chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao; chi phí nguyên liệu và vật tư đầu vào liên tục tăng… là những trở ngại trong tiêu thụ nông sản trong những tháng cuối năm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, bộ, ngành trong thời gian qua, đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước duy trì sản xuất, kinh doanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn của người dân, nông dân, doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ðịa phương phải bảo đảm cho lưu thông thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ kiểm tra chặt chẽ điểm đến - điểm đi, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong quá trình lưu thông hàng hoá.
UBND các tỉnh tổ chức họp với các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất và được địa phương duyệt. Lưu ý, trước khi sản xuất, công nhân phải được xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính 100% mới được làm việc.
Công nhân ở “vùng xanh” được đi lại bình thường, ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng sản xuất; định kỳ 2 lần/tuần test nhanh, nếu để xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, địa phương phối hợp chặt chẽ người dân, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch rà soát tổng thể để tái đàn, tái sản xuất đúng kế hoạch được Trung ương giao.
C.T