Phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 11-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết tính đến nay, TP có 103 ngày với những bước, những mục tiêu, những giải pháp cấp độ khác nhau, ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt trong việc phòng chống COVID-19.
Không thể giãn cách nghiêm ngặt quá dài, quá sức chịu đựng của dân
Tuy nhiên, TP.HCM khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP nhưng việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.
Ông cho rằng quan điểm này là mới so với trước đây. TP.HCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến. Đây là cách nhìn nhận của TP qua thực tiễn và đưa ra quan điểm như thế.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
Theo ông Nên, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn.
Có nghĩa là TP đã quét truy tìm F0 nhiều lần trong hơn 100 ngày qua. Đặc biệt, trong hơn 2 tuần qua, TP đã tập trung, tăng cường lực lượng rất mạnh với hy vọng sẽ quét, phát hiện đến F0 cuối cùng trên địa bàn. Đó là mong muốn, nhưng rất khó trong một thời gian nhất định, và dù khó cũng phải làm.
Bí thư Thành ủy cho rằng phương châm chung của TP là an toàn trên hết. Nếu có nới giãn cách, hay có mở đến mức nào đi nữa thì cũng phải đặt mục tiêu an toàn trên hết. “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” - ông Nên nói.
Ông cũng lưu ý về vai trò của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước là không thể làm tách rời mà phải làm có sự phối kết hợp, hết sức chặt chẽ. Tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn.
Trước hết, TP phải chọn địa phương làm thí điểm, bởi mỗi quận huyện cũng khá lớn để cho những thông số, những cách làm, biện pháp giải pháp, qua đó giúp TP rút kinh nghiệm.
Từng bước khôi phục hoạt động bình thường mới ở từng lĩnh vực
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải bám sát những trụ cột chính trong phòng chống dịch, từng bước khôi phục hoạt động bình thường mới ở từng lĩnh vực.
Trong chiến lược về y tế, từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến trung tâm y tế cấp quận, cấp TP phải hệ thống trở lại… Ngoài củng cố hệ thống y tế nhà nước, cần huy động, phát huy các nguồn lực bằng cơ chế chính sách.
Về chiến lược giáo dục đào tạo, đừng để trường hợp nào bị bỏ rơi, đừng để trường hợp nào không được đến trường. Xa hơn nữa, cần tận dụng môi trường này phát huy trí tuệ của học sinh.
Trong chiến lược truyền thông, tất cả là những điều người dân phải biết về quan điểm, chiến lược phòng chống dịch, cần có thông tin chính thống, nếu không người dân sẽ nghe các thông tin bị nhiễu.
Các đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
Người đứng đầu Thành ủy cho rằng phải có chiến lược để tạo điều kiện thông thoáng cho mọi tổ chức, cá nhân phát huy các nguồn lực thuận lợi nhất, để có thể liên lạc, chuyển tải, giúp đỡ, không gặp bất cứ phiền phức nào. Làm sao phát huy, kiến tạo cơ chế để người dân đóng góp.
Cùng với đó phải có chiến lược, thế trận và có nền tảng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Riêng về chiến lược khoa học công nghệ, ông Nên yêu cầu phải thực hiện tốt dữ liệu về vaccine, xét nghiệm, dữ liệu F0… để phục vụ cho các hoạt động thời gian tới.
Ông đề nghị làm thêm 2 chiến lược: chiến lược công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Đích của chúng ta là hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, tăng vaccine để thực hiện miễn dịch cộng đồng” – ông Nên nói và cho rằng từng chiến lược, chú ý tính khả thi, lộ trình, đặc biệt quan tâm gắn chiến lược này với chiến lược khác, nhất là y tế với công nghệ.
Ông lưu ý là phải liên kết các chiến lược với nhau để có tính khả thi cao, phục vụ cho cuộc sống bình thường mới. Thông điệp chung là làm sao cho người dân có thông tin sớm nhất về sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và các định hướng của TP.
Theo ông Nên, có thể TP.HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành.
Do đó, TP.HCM phải “xin thêm” một thời gian nữa, có thể tới hết tháng 9-2021 để tập trung thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86. Ông giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.
“Chúng ta đang trong chặng đường khó khăn, phải cố gắng tập trung để vượt qua. Khi hệ thống chính trị vượt qua thì nhân dân vượt qua, vì mình là người chèo, người cầm lái” - ông Nên nói và đề nghị toàn hệ thống cố gắng vượt qua khó khăn và tự tin rằng nếu bài bản như vậy thì sẽ thành công.
Nguồn PLO