Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

55 năm, chiến thắng Junction City 

Thứ tư - 16/03/2022 00:41
BTN - Vâng! Chính là những tháng ngày này cách nay 55 năm trước, đất Tân Châu đang còn nóng bỏng dưới mưa bom bão đạn của cuộc hành quân càn quét mang tên Junction City. Trận càn được nhiều nhà nghiên cứu quân sự đánh giá là lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam thời chống Mỹ.

 
Chương trình Xuân chiến sĩ 2022 tổ chức dưới tượng đài Chiến thắng Junction City. Ảnh: Dương Đức Kiên

Một học giả người Mỹ, tác giả John Pimlott, trong cuốn sách “Việt Nam - những trận đánh quyết định” cho rằng, Junction City chính là một trong 17 trận đánh có ý nghĩa quyết định trên cả hai miền Nam-Bắc trong chiến tranh Việt Nam, từ Điện Biên Phủ đến chiến dịch mùa Xuân 1975 làm sụp đổ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn (theo Hoàng Thu Hà, Phòng Khoa học công nghệ Môi trường Quân khu 7, sách “Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng 1945-1975”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2002).

Với tác giả Trần Bạch Đằng, bút danh Hưởng Triều, trong bài thơ Về Tây Ninh viết năm 1982, ông nhắc lại những cái tên bất khuất của Tây Ninh trong trận chống càn oanh liệt của quân dân ta ngày ấy. Đấy là: “Trảng thành Tà Nốt, suối thành Tiên Cô, đồng hoá Đồng Pan/…Tà Nốt, Cà Tum?/ Trảng Ba Chân hay Cánh đồng Rùm/ Lý lịch viết hoa từng mô đất…”. Để rồi ông có lời khuyên: “Một đời người phải về Tây Ninh ít ra một chuyến!/ Rón rén mà về. Thương mà thăm viếng/ Nhớ nhé, dắt cháu con về suy nghĩ với Tây Ninh/ Về lúc hoàng hôn lá đổ hay khi nắng hé bình minh…”.

Không nóng bỏng, không nhớ làm sao được! Khi mà ta đọc lại những trang viết về trận càn nổi tiếng này trong sử sách của Tây Ninh. Những tư liệu dưới đây là chúng tôi trích chủ yếu từ 2 cuốn sách: “30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-2015)” (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997) và cuốn “Lịch sử LLVT nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951-2015)” của Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Dương Minh Châu in năm 2015. Xin gọi tắt là Lịch sử Tân Biên và Lịch sử quân sự Dương Minh Châu. Bởi vì trận đánh chủ yếu diễn ra trên địa bàn 2 huyện kể trên. Đến năm 1989 mới có thêm huyện mới Tân Châu.


Chương trình Xuân chiến sĩ 2022 tổ chức dưới tượng đài Chiến thắng Junction City. Ảnh: Dương Đức Kiên

Lịch sử Tân Biên cho biết: Junction City là “cuộc hành quân chủ yếu trong chiến lược mùa khô lần thứ II (1966-1967) của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ đặt tại Sài Gòn…”. Trước đó đã có các cuộc hành quân quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần khốc liệt. Đó là Attleboro, bắt đầu từ ngày 15.10 đến 5.11.1966, đánh thẳng vào Căn cứ Dương Minh Châu và huyện Tân Biên. Thất bại thảm hại, tướng chỉ huy là Edward H. de Saussure bị cách chức. Đến 28.1.1967, Mỹ tiếp tục mở cuộc càn Cedar Falls đánh vào vùng Tam giác sắt (Trảng Bàng - Bến Củi - Bến Súc - Củ Chi) nhưng cũng phải ôm đầu máu mà tháo chạy.

Hai cuộc hành quân kể trên là 2 cuộc “thử lửa” đầu tiên trong mùa khô 1966-1967. Bộ Chỉ huy Quân giải phóng nhận định: “Địch sẽ dốc toàn lực mở cuộc tấn công lớn hơn đánh sâu vào căn cứ của ta nhằm tiêu diệt chủ lực và các cơ quan đầu não cách mạng…”. Do vậy mà: “Trung ương Cục và Bộ chỉ huy chủ trương động viên mọi lực lượng, cơ quan, đơn vị trong khu căn cứ Tân Biên bám trú tại chỗ chiến đấu phối hợp với chủ lực, kiên quyết phản công và tiến công quyết đánh bại cuộc hành quân lớn của địch, giữ vững vùng căn cứ…”.

Đến 22.2.1967 thì cuộc hành quân mang tên Junction City chính thức bắt đầu. Bên địch: “Tướng Westmoreland tung ra một lực lượng lớn gồm các Sư đoàn Bộ binh số 1, số 25, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 4, các Lữ đoàn dù số 173, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 9. Tổng cộng 9 lữ đoàn, với 27 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và chiến đoàn lính thuỷ đánh bộ nguỵ. Lực lượng thiết giáp huy động 4 trung đoàn gồm 11 tiểu đoàn có 1.200-1.300 xe tăng và xe bọc thép.

Pháo binh có 14 tiểu đoàn tổ chức thành 2 cụm pháo số 23 và số 4, tổng cộng 256 khẩu. Không quân có 9 phi đoàn gồm 162 phản lực và 300 máy bay lên thẳng, 18CH 47, 2 đến 3 phi đoàn vận tải gồm 30 đến 40 chiếc C 123 và C130; 20 đến 30 máy bay trinh sát thuộc Liên đội số 12 của Lữ đoàn hàng không vận tải số 1 và tập đoàn không quân số 7, mật độ chi viện không quân là 100-120 lần/chiếc/mỗi ngày. Lại thêm 5-6 tiểu đoàn công binh phục vụ.

Tổng số đơn vị tham gia hành quân, cả Mỹ lẫn nguỵ là 30 tiểu đoàn, 12 đại đội biệt kích với gần 5 vạn tên”. Như vậy, chúng đã sử dụng hầu hết các lực lượng cơ động có thể huy động được ở miền Nam. Cuộc hành quân do tướng 3 sao Seaman, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy dã chiến II của Mỹ trực tiếp điều hành. Đây là cuộc hành quân nhiều tham vọng nhất của Mỹ từ khi đưa quân vào chiến trường miền Nam; là “Cuộc hành quân lớn nhất của đế quốc Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”.

Với mục tiêu là: “Tìm diệt Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy quân giải phóng, Cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP); tiêu diệt chủ lực, Đài phát thanh giải phóng, bịt kín biên giới, triệt phá kho tàng, hậu cần dự trữ của ta; chia cắt, lấn chiếm khu căn cứ từ lâu được gọi là “vùng đất thánh bất khả xâm phạm…”.

Về phía ta, ngoài Sư đoàn 9, đoàn Hậu cần 82 chủ lực, còn có các đơn vị bộ đội địa phương và du kích các xã trong khu vực hành quân. Ngay sau trận càn Cedar Falls: “Để phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong điều kiện căn cứ chỉ có 500 dân sống dọc sông Vàm Cỏ Đông; cơ quan Trung ương Cục và MTDTGP miền Nam đóng ở phía Đông và phía Tây đường 22 đến giáp sông Vàm Cỏ Đông được tổ chức thành 6 huyện căn cứ võ trang đánh địch.

Đấy là: Huyện Rùm Đuôn Sóc do cơ quan bảo vệ Trung ương Cục đảm nhiệm/ Huyện Suối Mây gồm các cơ quan Trung ương Cục/ Huyện Bảy Dài, do Ban Tổ chức Trung ương Cục chỉ huy/ Huyện Xa Mát-Tà Xia, do cơ quan An ninh Trung ương Cục/ Huyện Xóm Giữa - Đồi Thơ thuộc cơ quan Dân y Trung ương Cục/ Và huyện Lò Gò - Bến Ra do cơ quan Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ huy”.

Tranh vẽ trận càn Junction City của Võ Đồng Minh.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: “Tất cả cán bộ nhân viên cơ quan Dân chính đảng được biên chế thành những tiểu đội, trung đội du kích, tự vệ tác chiến tại chỗ và tổ chức thành lập các đại đội, tiểu đoàn tập trung làm nhiệm vụ bộ đội địa phương của mỗi huyện.

Cơ quan Bộ Chỉ huy Miền gồm: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, các trường, xưởng, bệnh viện, kho tàng đóng từ phía Đông đường số 4 (ĐT 785 ngày nay) đến giáp sông Sài Gòn được tổ chức thành 7 huyện, với các đơn vị phụ trách gồm:- Huyện Châu Thành, do Trung đoàn Bộ binh 170 phụ trách/- Huyện Tà Peng, do Cục tham mưu Miền/ - Huyện Cà Tum, do Cục Chính trị Miền/- Huyện Sóc Ky, thuộc Phòng Công binh Miền/- Huyện Bà Chiêm, do đoàn Pháo binh 69/- Huyện Bà Hảo, do Cục Hậu cần Miền/- Huyện Tà Đạt, do Phòng Thông tin Miền/ Ngay cả cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của Bộ Chỉ huy Miền cũng được biên chế thành 7 đại đội và 1 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bộ đội địa phương. Số còn lại gồm 2.000 cán bộ chiến sĩ, nhân viên được tổ chức thành các tiểu đội và trung đội du kích tự vệ”.

Thế cuộc của cuộc chiến tranh nhân dân tại Tây Ninh đã sẵn sàng, để đối phó với cuộc chiến lớn nhất, gay go nhất trong toàn bộ giai đoạn chiến lược chiến tranh cục bộ.

Trần Vũ (còn tiếp)

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp