Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Đàn bà lực điền… 

Thứ sáu - 11/03/2022 21:29
BTN - Ấy là tôi đang muốn nói mẹ. Sinh thời, mẹ được phong danh hiệu ấy bởi làm lụng rất khoẻ. Chuyện đồng áng phần đàn ông hay làm mẹ đều làm được: cày bừa, gieo sạ, gồng gánh… bởi ba gốc học trò, có chữ nhưng yếu nhớt. Mẹ hay nói giỡn: Ổng làm được… nửa đường tao là mừng rồi.

Giỡn mà thiệt, bó lúa mẹ gặt ba rinh lần hai bó đủ bái xái. Gánh củi mẹ hái ba đi rước lặc lè vừa gánh vừa thở, đường về nhà không xa vẫn phải nghỉ hơi ba bốn chặng. Mà đúng, nó to thiệt.

To tới mức không riêng ba mà ai nhìn thấy gánh củi- khi biết của một người đàn bà- cũng phải… lắc đầu, lè lưỡi. Vậy nên mỗi lần phải đi rước củi cho mẹ, ba rất sợ. Nhìn gánh củi lừng lững ba cứ càm ràm: Bộ bà tính làm cho… mau chết hay sao? Càm ràm hoài khiến mẹ bực, nhăn: Thôi, bữa sau ông khỏi đi rước, để tui.

Nói vậy chớ làm sao khỏi, ba thân làm chồng, thương mẹ vất vả, nỡ nào để mẹ tự gánh về nhà? Biết vậy nên sau này mẹ cũng nhượng bộ, làm bó củi nhỏ lại chút cho ba gánh vừa sức.

Vậy nhưng đường từ trên núi xuống thể nào quanh đi quẩn lại mẹ cũng đèo thêm vài món “phụ thu” của núi rừng mà mẹ phát hiện ra: khi mấy mụt măng tre; khi bó sậy, bó dây mây hoặc mớ củi chà.

Cột, quảy theo cùng củi. Mẹ bảo: Vậy gánh mới đằm vai, bớt cái chông chênh do củi nhẹ. Đương nhiên lúc rước về ba chỉ phải lo gánh củi; mấy thứ “phụ thu” kia phần mẹ. Có điều ít ai biết nhiều bữa, mớ “phụ thu” dồi dào, nặng gần… ngang gánh củi! Bớt cái này thêm ngay cái khác, mẹ là vậy. Đôi vai lực điền của mẹ chưa bao giờ chịu chọn việc nhẹ nhàng.

Đi làm đồng, cái cuốc của mẹ lưỡi bự chảng, cuốc một nhát bằng người ta cuốc hai ba nhát. Hết cuốc tới gióng gánh, đồ của mẹ đều loại “đặc chủng” mua riêng, to chắc gấp đôi gióng gánh người thường. Mùa gặt, lần nào tôi vào kho lấy gióng gánh, chị Hai cũng dặn lại dặn đi: coi đừng lấy lộn gióng gánh của mẹ. Chị lo xa phải thôi, có lần anh Ba đi làm, sớn sác lấy lộn gióng mẹ.

Tới chừng mẹ cần vô tìm gióng không thấy, phải lấy gióng của anh đi gánh đỡ. Chất lúa bó vô vừa vai, mẹ gánh đi nửa đường đôi gióng “hàng chợ” của anh đã… đứt phựt, đổ lúa bó tung toé. Gióng đã vậy, còn cây đòn gánh tre của mẹ cũng khỏi phải nói.

Nó thẳng đuỗn, dày đun, cứng quèo, gánh nhẹ hầu như không chịu nhún. Lần đòn gánh anh Ba bị gãy mẹ kêu: lấy đòn gánh tao gánh đỡ. Anh Ba lắc lắc đầu, xua tay: thôi mẹ ơi, gánh cây đòn của mẹ xong buổi chắc chết vai con. Nó đâu phải bằng tre mà bằng… sắt! Cả nhà nghe, cười chảy nước mắt.

Mùa hè, tôi theo mẹ lên núi hái củi mới hay “Bà Hai Lực Điền” (tức mẹ) được cả đoàn kiếm củi núi Chai tôn làm… đoàn trưởng. Dẫn đường, tìm bãi, chỉ định vị trí tập kết đưa “quân” xuống núi… mẹ cắt đặt đâu ra đó, còn hỗ trợ cả việc khoanh dây, đóng bó cho những “tân binh” mới đi núi lần đầu.

Tôi là “tân binh con” nên còn sướng hơn: tiếng “đi hái củi” cho oai chứ để có gánh củi chà khô nhỏ cho tôi, mình mẹ lo làm từ A tới Z. Gánh xuống nửa đường, thấy triệu chứng tôi đau vai rụt cổ, mẹ còn dừng, đỡ lấy gánh tôi chất luôn lên gánh mẹ.

Làm giỏi giang xốc vác, “gánh việc” cho cả nhà, vậy nhưng mẹ chưa bao giờ có ý coi thường chồng con. Mẹ kính trọng ba vụ chữ nghĩa giỏi giang, luôn xem đó là vinh dự lớn cho gia đình. Vậy nên dạy con, bao giờ mẹ cũng có câu cửa miệng: Ráng học giỏi như ba mày cho tao, làm lụng có kém chút cũng không sao, có mẹ đây rồi…

Y Nguyên

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp