Ngày hội đoàn viên” dành cho công nhân khu nhà trọ do Ban Thường vụ Huyện đoàn Bến Cầu tổ chức tại Nhà trọ Công nhân Hai Đức (ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận). Ảnh: Quang Son
Từ chủ trương
Trên cơ sở tiếp cận những thành tựu trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta nhiều lần khẳng định, phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để văn hoá thực sự là động lực đột phá, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khoá VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998), Đảng xác định: “Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội.
Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện.
Văn hoá là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”. Cũng trong Nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng xác định sự cần thiết phải xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá và ngược lại. “Chính sách văn hoá trong kinh tế bảo đảm cho văn hoá thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hoá”.
Sau Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá, Đảng bổ sung những quan điểm lý luận mới về văn hoá trong kinh tế. Nổi bật là luận điểm: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”.
Như vậy, sự phát triển bền vững của đất nước không chỉ bao gồm 3 nhân tố kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn bao hàm cả nhân tố văn hoá. Luận điểm này thể hiện bước phát triển mới trong tư duy lý luận về văn hoá trong kinh tế của Đảng.
Xây dựng chế tài về mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hoá cũng như khai thác nguồn vốn văn hoá để phát triển kinh tế. |
Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội”. Đây là luận điểm cốt lõi phản ánh tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hoá trong kinh tế, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những quan điểm của Đảng như trích dẫn ở trên về mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế là những vấn đề lý luận mới, có ý nghĩa chỉ đạo sâu rộng để bảo đảm sự hài hoà trong phát triển văn hoá và tăng trưởng kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đến thực tế
Khi các giá trị văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế, nó sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hoạt động của các chủ thể kinh tế theo hướng nhân văn, vì cái đúng, cái tốt, cái đẹp.
Lúc này, các chủ thể kinh tế không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn quan tâm đến lợi ích của người lao động, trách nhiệm với cộng đồng, môi trường, quốc gia. Các hành vi sản xuất, kinh doanh đi ngược lại các giá trị chân - thiện - mỹ bị phê phán, khước từ.
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, văn hoá doanh nhân có sự chuyển dịch từ phong trào đi vào thực chất, đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp.
Khi văn hoá tham gia điều tiết các hoạt động kinh tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gia tăng, không chỉ doanh nghiệp được lợi mà cộng đồng, xã hội và người dân cũng được chia sẻ lợi ích. Như vậy, văn hoá là đường dẫn để kết nối giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là một trong các tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lịch sử đã chứng minh, những giá trị văn hoá được khơi dậy đúng mức sẽ biến thành sức mạnh to lớn.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, bằng ý chí, nỗ lực, khẳng định được uy tín, vị thế trên thương trường. Nhiều thương hiệu hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất tạo được uy tín với người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Điều đó tạo nên sự khích lệ to lớn để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý.
Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội
Nhìn lại 35 năm đổi mới, có thể thấy, vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được quan tâm cả về phương diện chủ trương, đường lối, chính sách và triển khai trong thực tế. Qua đó, mở đường cho các giá trị văn hoá thâm nhập vào trong đời sống kinh tế, góp phần tạo nên sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Về phương diện lý luận, cho đến nay, khung lý thuyết chung về văn hoá trong kinh tế vẫn còn chưa được xác lập, các tiêu chí để đánh giá vai trò văn hoá trong kinh tế chưa rõ ràng.
Văn hoá trong kinh tế bao hàm những nội dung cốt lõi nào? Xây dựng văn hoá trong kinh tế chỉ tập trung vào xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân hay cần mở rộng sang cả hệ thống tầm nhìn, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, tháo gỡ về thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chống các rào cản đối với sự phát triển kinh tế nhìn từ góc độ văn hoá?
Phương diện thực tiễn, chủ trương xây dựng chính sách văn hoá trong kinh tế được Đảng nêu ra trong Nghị quyết Trung ưmg 5 khoá VIII (1998) nhưng chậm được cụ thể hoá, thể chế hoá nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế.
Để văn hoá trở thành “động lực đột phá” cho sự phát triển kinh tế theo chủ trương của Đảng còn nhiều việc phải làm. Trong đó, nổi lên vấn đề thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò văn hoá trong phát triển nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. Các nghiên cứu chỉ ra, nguyên nhân của thành công hay thất bại ở các quốc gia liên quan mật thiết đến thể chế của quốc gia đó.
Như đã trình bày ở trên, hệ thống quan điểm của Đảng về vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới đã được nêu rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng. Nếu những quan điểm này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển động trong phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra.
Chính vì vậy, trước hết và trên hết, cần tập trung thể chế hoá các quan điểm của Đảng về vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế thành luật pháp, thành các quy định cụ thể. Xây dựng chế tài về mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hoá cũng như khai thác nguồn vốn văn hoá để phát triển kinh tế. Có như vậy mới tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm tòi, đổi mới mô hình hoạt động theo hướng coi trọng các giá trị văn hoá trong sản xuất, kinh doanh.
Việt Đông
Văn hoá tham gia điều tiết các hoạt động kinh tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gia tăng; không chỉ doanh nghiệp được lợi mà cộng đồng, xã hội và người dân cũng được chia sẻ lợi ích. Như vậy, văn hoá là đường dẫn để kết nối giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là một trong các tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.