Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tây Ninh (9.9.2016). Ảnh: Đ.H.T
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Tiếp thu văn minh nhân loại
35 năm đổi mới, lĩnh vực văn hoá đã có bước phát triển mạnh mẽ. Văn hoá đã chuyển hoá trở thành “sức mạnh mềm” của đất nước. Giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của dân tộc được bảo tồn, gìn giữ phát huy, đồng thời tiếp thu được những giá trị văn minh, tiến bộ của văn hoá thế giới.
Nhiều lĩnh vực về quản lý văn hoá đang được thể chế hoá, từng bước được hoàn thiện về quản lý nhà nước với hành lang pháp lý phục vụ cho các hoạt động văn hoá trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Từ những lĩnh vực chỉ mang ý nghĩa về tuyên truyền, tư duy bao cấp, nay ngày càng thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động văn hoá, sản phẩm văn hoá đã trở thành lĩnh vực có giá trị kinh tế, tạo ra lợi nhuận.
Bước đầu hình thành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam, đặc biệt những lĩnh vực liên quan như du lịch, xuất bản, văn học, nghệ thuật, tổ chức sự kiện, truyền thông, báo chí... Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến văn hoá.
Nhiều lĩnh vực mới xuất hiện dưới tác động của internet, trí tuệ nhân tạo, kết nối không dây toàn cầu đã cung cấp một khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ của nhân loại với những thành tựu văn minh mới, “một ngày bằng trăm năm”.
Yếu tố này làm thay đổi mang tính bùng nổ về thông tin, tri thức góp phần mở mang trí tuệ của con người, nâng cao dân trí và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Có những lĩnh vực trước đây là lao động mang tính đặc thù như văn nghệ sĩ, truyền thông báo chí... thì hôm nay, mỗi người dân có thể trở thành nhà sáng tạo, người sáng tác.
Mạng xã hội bùng nổ ở Việt Nam đã tạo ra nhiều diễn đàn có lượng người tham gia tương tác khổng lồ mà các hoạt động truyền thống trước đây không thể thực hiện được. Hưởng thụ văn hoá của người dân được mở rộng, nâng cao, làm cho người dân tăng thêm tính sáng tạo, tự chủ tiếp cận nhanh tri thức nhân loại, nâng hiệu suất hoạt động ngày càng phù hợp với kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập sâu rộng vào thế giới ngày nay.
Định hướng chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại được thể hiện rõ trong các văn kiện Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 9 nêu tư tưởng chỉ đạo chung là “chủ động mở rộng hợp tác văn hoá với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hoá đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, làm phong phú thêm văn hoá dân tộc.
Đại hội XIII chỉ rõ mục tiêu cần đạt được: “Xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá quốc tế”. Giao lưu, hợp tác văn hoá với các nước để học hỏi, tiếp nhận làm giàu văn hoá dân tộc trên tinh thần “tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Hiểu hơn về con người việt nam
Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá cần phát huy mọi nguồn lực văn hoá để nâng tầm, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Theo tinh thần đó, truyền bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài để người nước ngoài hiểu đầy đủ về đất nước, con người Việt Nam, nhất là công cuộc đổi mới đất nước, đường lối đối ngoại tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Quá trình hội nhập quốc tế về văn hoá, nước ta có nhiều cơ hội tranh thủ được nguồn lực của các nước, trong đó có Việt kiều yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, cách thức hoạt động sáng tạo... nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức như truyền bá quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.
Song chúng ta kiên định phương châm, “đổi mới không đổi màu, hoà nhập không hoà tan”. Việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với nền văn hoá dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mặt khác, phải chủ động tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm giàu nền văn hoá dân tộc, đưa văn hoá dân tộc lên tầm cao mới hoà vào dòng chảy văn minh nhân loại. Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI yêu cầu: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hoá dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá về văn hoá”.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn tác động nhằm chuyển hoá tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Văn hoá, con người Việt Nam có bị chuyển hoá theo ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch chống phá chế độ ta hay không phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị, khả năng “tự miễn dịch”, năng lực tự vệ của mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân.
Do vậy, phải tiên liệu những vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hoá. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII chủ trương: “Chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hoá phẩm ngoại lai độc hại”.
Các nhà nghiên cứu, giới chuyên gia chỉ ra rằng, hội nhập quốc tế về văn hoá chỉ có thể mang lại hiệu quả cao khi Nhà nước thực sự trở thành “bà đỡ”, với tư cách là chủ thể đại diện cho nhân dân quản lý xã hội, phát triển văn hoá, trong đó có văn hoá đối ngoại.
Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ chế chính sách và cung cấp, hỗ trợ nguồn lực vật chất, con người cho hoạt động văn hoá đối ngoại phát triển. Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI đề xuất nhiệm vụ “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hoá đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hoá ra nước ngoài, từng bước đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới”. Những chủ trương, tư tưởng chỉ đạo nêu trên của Đảng là cơ sở để Nhà nước chủ động ban hành các chính sách, pháp luật về giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hoá.
Để hiện thực hoá chủ trương đúng đắn của Đảng, không thể không bàn đến một yếu tố, đó là vấn đề thị trường nghệ thuật. Nhưng trước khi nói về thị trường nghệ thuật, cũng cần khách quan nhìn nhận, bên cạnh thành quả, văn hoá Việt Nam đứng trước nhiều thách thức.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Quy mô và trình độ phát triển kinh tế tồn tại những hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho văn hoá chưa tương xứng vị thế, vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội. Tư duy bao cấp, cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, quản lý nhà nước về văn hoá ở các cấp chủ yếu vẫn còn dừng lại ở những sự vụ văn hoá cụ thể.
Chưa đặt văn hoá trong chính trị, trong kinh tế một cách nhuần nhuyễn... Những hạn chế này đã đưa tới các yếu kém, khuyết điểm trong văn hoá hiện nay. Văn hoá chính trị xuất hiện những thách thức như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Quan liêu, tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và thậm chí có những mặt còn phức tạp, tinh vi, khó nhận diện và đấu tranh để phòng, chống hơn trước. Việc ban hành và thực thi pháp luật trên lĩnh vực văn hoá còn nhiều bất cập.
Chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hoá vừa thiếu, vừa yếu lại chưa được cơ cấu, phân bổ một cách hợp lý. Tấn công văn hoá từ bên ngoài là một thách thức trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá Việt Nam. Mặt trái của mạng xã hội đang có những tác động ảnh hưởng bất lợi đến đời sống tinh thần xã hội ở nước ta.
Để khắc phục hạn chế, còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần tạo ra cơ sở pháp lý cho sự phát triển ngang tầm văn hoá với vai trò là nền tảng tinh thần xã hội ở nước ta. Văn hoá là mục tiêu, là động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Từ thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mới tạo ra nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiệu quả cho phát triển văn hoá. Có chính sách đồng bộ để tôn vinh, khuyến khích nhân lực chất lượng cao tham gia sự nghiệp phát triển văn hoá ở Việt Nam, vì đây là nhân tố mang tính chủ thể sáng tạo nhằm tạo ra những tri thức, kiến thức văn hoá, công trình, tác phẩm văn hoá tiêu biểu cho trình độ, thành tựu văn hoá ở nước ta.
Việt Đông
Hiện nay, chúng ta có trên 5 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Chủ trương của Đảng là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn được truyền thống văn hoá dân tộc, trọng tâm là tiếng nói và chữ viết.
Càng nhiều Việt kiều biết tiếng Việt, càng nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam biết tiếng Việt, đó là nguồn vốn quý giá và là điều kiện, cơ hội để họ tham gia quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.
Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI đề ra nhiệm vụ: “Chú trọng truyền bá văn hoá Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài”.