Từ thành thị đến nông thôn, ngày nay chiếc nón lá truyền thống vẫn mang nét đẹp bình dị. Chiếc nón lá gắn liền với đời sống nông thôn, từ làm đồng áng che mưa che nắng, thậm chí người ta còn dùng nón lá làm quạt khi ngồi nghỉ mệt giữa đồng.
Chiếc nón lá xuất hiện khắp các chợ từ nông thôn đến thành thị. Điều đặc biệt là khi chiếc nón kết hợp với áo bà ba, áo dài truyền thống tạo nên vẻ đẹp thanh nhã, mộc mạc.
Một chiếc nón lá có giá khá rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng không phải ai cũng biết, để tạo nên chiếc nón lá mộc mạc đó là cả một kỳ công. Ở Tây Ninh, người làm nghề chằm nón lá hiện nay không còn nhiều.
Và nói đến chiếc nón lá, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến nghề truyền thống chằm nón lá ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Ngày 15.12.2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận nghề chằm nón lá Ninh Sơn là nghề truyền thống của tỉnh.
Theo người dân ở đây, nghề chằm nón lá trước kia rất thịnh. Những người chằm nón lá lớn tuổi nhất cũng không nhớ rõ nghề có từ khi nào, họ chỉ biết cái nghề được bà con họ hàng mang từ miền Trung vào rồi lưu giữ đến tận ngày nay.
Trước đây, Ninh Sơn là vùng ít bị ảnh hưởng của chiến tranh nên người dân miền Trung vào làm ăn, sinh sống. Họ mang theo nghề chằm nón lá vào địa phương và phát triển sang khu phố Ninh Lộc, Ninh Thọ và Ninh Trung ngày nay.
Hàng chục năm về trước, nghề làm nón lá rất thịnh, người người, nhà nhà thậm chí cả xóm làng nhộn nhịp với nghề chằm nón. Hầu hết phụ nữ ở Ninh Sơn đều biết chằm nón từ 5-6 tuổi. Khắp nơi trên phố, dưới ruộng đồng ở Tây Ninh, dường như đâu đâu cũng thấy chiếc nón lá Ninh Sơn đi theo cùng người dân.
Nghề chằm nón lá, có thể xem là một nghề kỳ công trong những nghề kỳ công truyền thống ở Việt Nam. Nón lá tuy đơn giản, rẻ tiền nhưng để có được chiếc nón lá phải có nghệ thuật, phải khéo tay. Nguyên liệu chính để làm nón lá là trúc và lá mật cật.
Trúc được vót thành nang đều nhau, lá mật cật được luộc chín, phơi khô và vuốt thẳng. Để làm ra chiếc nón, người ta vừa xếp nan trúc làm sườn vừa xếp chồng lá mật cật lên khung chằm hình chóp.
Lá mật cật được xếp đều đặn chằm kết với nan tre tỉ mỉ bằng sợi chỉ trong suốt. Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng nhưng không bị dột nước khiến nón lá dễ hư.
Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ, đàn ông thường đảm nhận khâu chuốt vành, lên khung nón, vào rừng tìm lá mật cật. Từng đoạn trúc được chuốt thành nan bằng mác hoặc rựa mỏng. Mỗi chiếc nón sẽ cần từ 16-18 nan vành được vót một cách công phu.
Lá để tạo nên chiếc nón đẹp, người ta thường chọn lá mật cật còn tươi non trong tận sâu ở cánh rừng. Vật liệu làm nón tuy đơn sơ nhưng ngày nay lại khó tìm. Mật cật mọc ở những vùng biên giới, tiếp giáp Campuchia. Hiện nay, nguồn nguyên liệu lá chủ yếu phải nhập từ Campuchia.
Trong quá trình công nghiệp hóa, lao động vào nhà máy nhiều hơn, trên đồng cũng được cơ giới hóa, nên nhu cầu sử dụng nón lá cũng giảm dần. Thời hoàng kim của nghề chằm nón lá dần lùi vào quá khứ.
Nhiều hộ làm nón đã bỏ nghề, còn số ít vẫn bám trụ với nghề nhưng khá chật vật. Bởi nếu trước đây, mỗi ngày họ bán được vài chục chiếc nón lá thì giờ mỗi ngày được vài ba cái đã mừng. Ngậm ngùi hơn, nón lá bây giờ chỉ bán được cho các chị, các bà đi chợ, đi ruộng nên vài năm họ mới thay một cái.
Thế nhưng, giá trị của chiếc nón lá trong đời sống của người dân vẫn giữ nguyên, bởi nó mang trên mình vẻ đẹp bình dị của người Việt Nam hiền hoà. Để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề chằm nón truyền thống thật không hề đơn giản...
Giang Phương