- Mi làm như chị mang nổi đấy, chị mi gầy gò là thế, vác ba lô quần áo đã chướng lắm rồi. Mà mi yên tâm đi, trên ấy giờ cũng đầy đủ lắm.
- Em đọc báo rồi, trên bản nhiều nơi còn thiếu điện nước, đồ ăn lại kham khổ. Rồi chị lại không ăn uống gì được thì sao? Trên đó có bác sĩ, có thuốc thang không?
Chị gõ đầu tôi rồi nói:
- Nay trên bản đôi khi còn sướng hơn dưới phố đấy nhé. Mà chị mi đi dạy chứ có phải đi chơi đâu. Yên tâm, đây đâu phải lần đầu tiên chị mi đi xa.
Chị tôi có liếc nhìn mẹ, nhưng chỉ nghe tiếng mẹ thở dài, chị nháy mắt nhìn tôi cười tinh nghịch.
Nỗi lòng người mẹ ai cũng thấu hiểu. Bố tôi mất sớm trong một chuyến đi hàng trên biển, chỉ mỗi mẹ nuôi hai chị em tôi khôn lớn. Từ nhỏ trong khi tôi vẫn còn giữ màu ngây thơ trong mắt thì chị tôi đã bươn chải cùng mẹ sớm hôm- dù chỉ hơn tôi non hai tuổi. Ban đầu, là bươn chải thật và lâu dần chị nói nó dường như là sở thích của chị khi chị thích trôi nổi với cuộc đời đi khắp muôn nơi.
Chị dường như làm đủ việc từ bé, và cũng bởi thế chị rất ít khi ở nhà: khi thì mấy tháng ở nhà dì để cùng dì bán buôn ngoài chợ sớm, khi lại xuống nhà cậu phụ trồng bông đến cận tết mới về. Năm chị mười tám, chị bỏ quê lên phố học đại học và cũng để tiện việc đi làm thêm. Vùng quê nhỏ của tôi hồi đó chỉ có mỗi chị học đại học, cũng mỗi chị mà thân gái mà đi học xa, làm xa nên hầu như ai cũng động viên, lo lắng.
Học xong đại học, chị lại rời phố, từ Nam chị ngược xuôi ra Bắc khi tìm thấy một cơ hội công việc cho mình, và sau đó, cứ thế, chị bươn chải khắp dòng đời ngược xuôi. Những lần đầu mẹ còn rầy:
- Mày con gái mà cứ bay như chim. Ổn định đi con còn lấy chồng, an cư lạc nghiệp.
Lúc đầu chị lấy luận điệu “Con còn trẻ chán mà mẹ”, sau ít năm lại “Ôi con gái mẹ già rồi ai mà thèm lấy”. Cứ thế chị bẵng đi tuổi xuân của mình với sự nổi trôi của cuộc đời, nhưng tôi biết ở trong mỗi lựa chọn của chị đều có đầy sự đam mê và cống hiến, chị đều không hối hận với lựa chọn của mình và đó là điều tôi ngưỡng mộ ở chị.
Năm ba mươi tuổi, chị về nhà sau những năm tháng biền biệt đi làm xa và tuyên bố chắc nịch:
- Con sẽ lên bản dạy mẹ ạ.
Chỉ thế thôi, tính chị vốn không thích vòng vo. Thực ra năm xưa chị vốn học sư phạm, nhưng rồi khi chị tốt nghiệp, nhà lúc đó khó khăn, xin được việc dạy học khó nên chị đành tạm gác giấc mơ lại, bắt làm nhiều công việc khác nhau miễn kiếm ra tiền.
Và cũng bởi thế giấc mơ khi xưa gác lại non nửa chục năm trời. Và giờ khi cuộc sống bắt đầu ổn định, tôi cũng đã trưởng thành và có công việc tốt, chị mới quay lại với giấc mộng xưa của mình.
Trong cả năm trời chị phải đi học lại nghiệp vụ và trải qua nhiều cuộc thi cũng như liên hệ với nhiều tổ chức giáo dục để có thể xin được việc dạy học này. Đến giờ khi có quyết định chính thức chị mới về thông báo với gia đình. Mẹ nhất thời không chấp nhận được vì nghĩ cuộc sống ở bản khó khăn, việc chị bôn ba đi làm khắp nơi nhưng ở phố khác hẳn với cuộc sống ở bản này…
Thế nhưng cả mẹ và tôi đều biết không thể cản được chị. Chị đi ba năm tròn thì ba năm chị không về tết được, cũng hiếm hoi lắm chỉ có một mùa hè chị về nhà được độ ít ngày là lại lên lại bản. Khi thấy chị cứ tất tả như thế, mẹ có xót:
- Công việc vất vả lắm hả con? Sao được nghỉ ít thế?
- Không phải mẹ, mà vì con nhớ lũ học sinh. Tụi nó thương con lắm, đi xa là nhớ.
Đây cũng là năm đầu tiên, tôi phép nghỉ ít ngày theo chị về bản để vừa thăm nơi chị, cũng vừa tự thưởng cho mình kỳ nghỉ phép sau những ngày làm việc căng thẳng. Khi ở nhà chị đã đi chợ và mua thêm rất nhiều bánh kẹo, mắt chị lấp lánh niềm vui khi kể tôi nghe về đám nhóc chị dạy.
Con đường lên bản còn đầy đất đỏ, có những đoạn khó đi đến mức mấy người đàn ông trên chiếc xe đò phải xuống đẩy và bác tài phải đề ga hết mức. Nhưng khi chị tôi định xuống phụ thì bác tài nhất quyết:
- Cô giáo cứ ngồi yên đấy.
Cái cách gọi nghe rất thân thương, tôi gần như cảm nhận được sự tôn trọng mà người dân nơi đây dành cho chị. Phải hơn hai, ba tiếng ngồi xe, lại thêm đi đường bộ cả tiếng tôi mới tới “ngôi trường” chị dạy.
ói là điểm trường thì đúng hơn với chỉ hai ba lớp học nhỏ, mỗi lớp độ hơn chục học sinh mà nghe chị nói phải vận động dữ lắm để đi học. Cạnh đó là một khu nhà tập thể nhỏ với chỉ hai ba phòng, chị với một cô giáo ở một phòng, phòng còn lại là của một thầy giáo.
Ngay khi vừa bước vào điểm trường thì đã thấy kha khá học sinh tụ tập lại, tuy là mùa hè, còn nghỉ học nhưng khi biết chị về lại bản, chúng đã kéo tới gặp chị, có lẽ vì nhớ. Chị xếp chúng thành hàng rồi chia bánh kẹo cho chúng, những ánh mắt trẻ thơ lạ lẫm với bánh kẹo và cả ánh mắt thương yêu chúng dành cho chị khiến tôi bồi hồi. Khi nhiều bé còn nhốn nháo chị đã đằng hắng:
- Giờ mấy đứa có xếp hàng ngay ngắn không? Cô đã dạy thế nào nè?
Ngay lập tức những đứa trẻ như nghe tiếng còi hiệu vội xếp hàng ngay ngắn, trông rất nghe lời. Khi những đứa trẻ nhận được phần quà của mình và dần chào cô ra về hết thì chị quay qua tôi:
- Mỗi lần thấy chúng là quên cả mệt mỏi. Hè được nghỉ nhưng ham học lắm nên tụi chị còn dạy thêm bổ túc hè.
Vừa nói dứt lời, có tiếng của mấy người phụ huynh ở đâu tới, họ chỉ tạt qua một cách nhanh chóng vì đương dở việc trên rẫy:
- Nãy đi rừng có bẻ mấy đọt măng, gửi mấy cô thầy ăn qua bữa. Đợt mì năm nay bội, nãy em có để trong bếp bao mì, cô thầy luộc lên ăn nhé.
Tôi cảm nhận được thầy cô ở đây rất được yêu quý. Đột nhiên, dường như không để ý đến sự xuất hiện của tôi, từ trong căn phòng nhỏ, một người đàn ông dong dỏng cao đi ra:
- Em lên lại rồi à? Em đi xe có mệt không? Sao không bảo anh ra đón.
Đột nhiên tôi thấy mặt chị đỏ ửng lên và lấm lét nhìn tôi. À, thì ra…
L.H.H.T