Những ngày qua, thông tin Việt Nam đã đạt được thỏa thuận để hồi hương ấn "Hoàng đế chi bảo" khiến ai quan tâm đến cổ vật đều vui mừng. Chiếc ấn được đúc bằng vàng 10 tuổi vào thời vua Minh Mạng - triều Nguyễn. Ngoài bảo vật này, Việt Nam còn không ít cổ vật đã thất tán, trong đó có một số lớn bị cướp đoạt và đem ra nước ngoài.
Áo thượng triều của quan văn triều Nguyễn (1802-1945) do một người nước ngoài hiến tặng năm 1999.
Không thể thống kê số lượng
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho hay triều Nguyễn trong 143 năm tồn tại đã chế tác hơn 100 chiếc ấn báu, gồm kim bảo (ấn đúc bằng vàng, bạc) và ngọc tỷ (ấn làm từ ngọc quý). Trải qua sóng gió, bể dâu, đến nay, vẫn còn 85 chiếc ấn được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và 8 chiếc tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hầu hết các món đồ trong Hoàng cung Huế được chế tác phục vụ cho nhiều hoạt động như tín ngưỡng, tâm linh, hành chính, phòng thủ - an ninh, sinh hoạt cá nhân..., sau đó trở thành cổ vật.
Vì vậy, các cổ vật được chế tác bằng nhiều vật liệu, kích cỡ khác nhau với nhiều chủng loại phong phú. Tùy theo chức năng sử dụng, các món đồ được cất giữ ở nhiều vị trí khác nhau trong hoàng cung; được vua Nguyễn giao cho các cá nhân hoặc bộ phận canh gác, giữ gìn.
Tuy nhiên, sau khi triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kết thúc, việc quản lý tại các cơ sở di tích triều Nguyễn trở nên lỏng lẻo. Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhất là ngày kinh đô Huế thất thủ (5-7-1885) và giai đoạn chiến tranh năm 1945-1947, 1968 và 1975, nhiều món đồ trong hoàng cung bị thất tán khắp nơi, trong đó có một số lớn bị cướp đoạt và đem ra nước ngoài.
"Do tính chất đa dạng của các hoạt động trong hoàng cung, khác nhau về đối tượng sở hữu và phức tạp trong quá trình quản lý qua các thời kỳ lịch sử nên không có cơ sở để thống kê con số chính xác về cổ vật triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài" - ông Hoàng Việt Trung nói.
Cặp ngà voi dựng trên đế gỗ chạm nổi hình rồng, sơn thếp ngũ sắc niên đại 1802-1945 được một Việt kiều Pháp tặng năm 2002.
Sớm xây dựng hành lang pháp lý
Cũng theo ông Hoàng Việt Trung, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài, nhiều cổ vật thời Nguyễn đã được đưa từ nước ngoài về Việt Nam. Chẳng hạn, bàn gỗ mặt sứ, bộ trang phục áo quần của quan văn hàm ngũ phẩm thời Nguyễn, 2 ngà voi và 1 đế gỗ sơn son thếp ngũ sắc, ngự chế thi của vua Minh Mạng, giấy quy y của vua Bảo Đại, áo Nhật Bình, mũ quan đại triều...
Việc hồi hương cổ vật được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau, như: mua trực tiếp, đấu giá, hiến tặng, nỗ lực đàm phán liên bộ hoặc liên chính phủ để tìm kiếm giải pháp bằng con đường ngoại giao văn hóa dựa trên những cam kết quốc tế và quy định của các bên. Việc lựa chọn giải pháp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
TS Phan Thanh Hải dẫn ví dụ năm 2015, chiếc xe kéo tay hơn 100 tuổi của Hoàng Thái hậu Từ Minh đã được đưa về trưng bày bên trong Hoàng cung Huế. Đây là cổ vật đầu tiên của Việt Nam được một tổ chức nhà nước tham gia đấu giá công khai ở nước ngoài. Mới đây nhất, chiếc mũ quan đại thần và áo Nhật Bình được một doanh nghiệp hiến tặng sau khi đấu giá thành công ở Tây Ban Nha hồi tháng 4-2022. "Những thành công như vậy vô cùng ít ỏi trong khi hàng vạn cổ vật Việt Nam đã và đang bị rao bán hằng ngày trên nhiều sàn đấu giá cổ vật khắp thế giới và phần lớn trong số đó đều không quay trở lại với chúng ta" - ông Hải nhìn nhận.
Theo TS Phan Thanh Hải, để các cổ vật quý của Việt Nam quay về quê hương, cần có cơ chế, chính sách phù hợp, hoàn thiện để không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả tổ chức tư nhân, cá nhân đều có thể dễ dàng tham gia vào thị trường đấu giá cổ vật quốc tế khi cần thiết. "Hệ thống hành lang pháp lý cần khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia đấu giá và phải phù hợp với pháp luật quốc tế. Nếu không sẽ rất khó bảo vệ những người tâm huyết, dám nghĩ dám làm khi họ tham gia vào thị trường này. Theo đó, một số luật liên quan đến di sản văn hóa, thuế, hải quan, thừa kế tài sản... cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi phù hợp" - TS Phan Thanh Hải góp ý.
Các chuyên gia cho rằng cần khuyến khích và tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa nhằm phục vụ tìm kiếm, trao đổi, mua bán, đấu giá cổ vật. Bên cạnh đó, cần kêu gọi bà con kiều bào cùng những người yêu quý di sản cổ vật Việt Nam tham gia vào công cuộc hồi hương cổ vật, bao gồm tìm kiếm, phát hiện, sưu tầm, hiến tặng và ủng hộ nhà nước trong việc mua bán, đấu giá cổ vật ở nước ngoài.
Đồng thời, nhà nước cần chủ động thành lập quỹ bảo vệ di sản văn hóa đặc thù để huy động tối đa các nguồn lực xã hội và có cơ chế linh hoạt để không chỉ hỗ trợ trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa quan trọng đang lâm nguy hay di sản phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, phá hủy mà còn hỗ trợ mua bán, đấu giá cổ vật trong điều kiện cấp thiết. Quan trọng không kém là cần đầu tư cho nghiên cứu, sưu tầm, thống kê để nắm được một cách đầy đủ, chính xác về cổ vật quý của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài và xây dựng kế hoạch chiến lược để từng bước hồi hương cổ vật.
Ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đưa cổ vật về nước
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam "hồi hương" theo 3 hình thức. Một là, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng nhà nước (chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978). Hai là, cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng nhà nước (xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn đưa về Huế năm 2022). Ba là, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Mỹ năm 2022).
Bộ VH-TT-DL cho biết nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế "chảy máu cổ vật", hồ sơ dự án sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa sẽ chú trọng nội dung quy định về chống buôn bán trái phép cổ vật. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tạo cơ chế, chính sách hồi hương cổ vật về Việt Nam; ưu đãi khuyến khích tổ chức, cá nhân đưa cổ vật là di sản văn hóa của Việt Nam về nước.
Bộ VH-TT-DL khẳng định rằng những bất cập trước đây sẽ sớm được các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện với mục tiêu lớn nhất là "hồi hương" những di sản văn hóa vô giá của Việt Nam.
H.L.Anh
Mỹ trao trả 10 cổ vật quý cho Việt Nam
Hôm nay, 18-11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp nhận 10 cổ vật quý do Mỹ trao trả Việt Nam, gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ I-II sau Công nguyên và 2 tẩu đồng thế kỷ XVII-XVIII.
Trước đó, năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indiana, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller (hiện đã qua đời) tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư, lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người Mỹ bản địa và của nước ngoài. Năm 2014, FBI thu hồi hơn 7.000 đồ vật/hiện vật. Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu, hợp tác với FBI, mong muốn các đồ vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Ngày 27-2-2019, FBI phát thông cáo báo chí tuyên bố mong muốn trao trả các cổ vật bị đánh cắp về cộng đồng nơi chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI. Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã gửi Bộ VH-TT-DL thông báo về việc FBI đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam.
Ngày 6-5 vừa qua, Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VH-TT-DL đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan liên quan khẳng định việc Bộ VH-TT-DL tiếp nhận số cổ vật trên là đúng quy định theo Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận số cổ vật trên qua đường ngoại giao và lưu giữ, quản lý theo quy định.
Ngày 5-8, được sự đồng ý và ủy quyền của Bộ VH-TT-DL, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Ngày 31-8, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ bàn giao cho Vụ Châu Mỹ - Bộ Ngoại giao để trực tiếp mang về Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nguồn NLDO