Giê lúa mót ngoài đồng ruộng. Ảnh minh hoạ (chụp trước ngày 27.4.2021)
Trong những ngày ở nhà vì giãn cách xã hội, tôi có điện thoại thăm hỏi một người em ở xứ Trảng. Em cho biết vừa thu hoạch lúa Hè Thu, vụ này lúa thất quá, giá lúa lại thấp nên em không bán lúa tươi tại ruộng, mà đem về nhà phơi khô để dành ăn.
Nghe em nói phơi lúa, tôi hỏi thêm, em phơi lúa khô rồi tính giê sảy, hay quạt cho lúa sạch. Nghe tôi hỏi vậy, em hỏi lại tôi “giê sảy, hay quạt là sao hả anh? Em không biết. Em chỉ phơi khô vô bao để dành, rồi chở đến nhà máy xay gạo về ăn…”.
Thì ra, ngày nay người ta thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Máy chạy trên ruộng lúa vô bao sạch, rất ít lẫn lúa lép, hay rơm rạ. Nhớ lại lúc xưa, nông dân quê tôi làm ra được hạt lúa đã quá vất vả. Rồi từ lúa thành gạo là phải qua nhiều công đoạn nữa.
Tục ngữ có những câu “Lọt sàng xuống nia”, “Lành làm thúng, thủng làm mê”, “Bồ còn thóc hết”… Sàng, nia, thúng, bồ… là những dụng cụ cần phải có của nhà nông trong lao động sản xuất, thu hoạch và sơ chế bảo quản.
Trước kia, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, lao động sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào sức người và sức kéo gia súc, với các dụng cụ thủ công. Làm ra được bông lúa ngoài đồng đã khó nhọc, để lúa trở thành hạt gạo cho vào nồi nấu cơm càng vất vả hơn, với những nông cụ khác nhau. Cụ thể như cắt lúa, đập lúa, phơi lúa, giê (quạt) lúa, xay lúa (xay gạo), sàng gạo… Ðể thực hiện các công việc này cần phải có những dụng cụ tương ứng, như liềm, bồ, thúng, gióng gánh, nia, giần, sàng…
Khoảng mấy chục năm về trước, khi chưa có máy gặt đập liên hợp như bây giờ, nông dân quê tôi dùng liềm cắt lúa, rồi ôm từng gộp lúa đập vào chiếc bồ đập lúa (có người gọi là củi đập lúa). Người làm ruộng ít thì tự cắt, đập lúa của mình. Còn những hộ làm ruộng nhiều thì mướn công cắt đập “ăn chia”.
Tuỳ theo lúa trúng hay thất, ruộng khô hay sình lầy, giữa chủ ruộng và công cắt đập thoả thuận mức ăn chia. Nếu lúa trúng, dễ đập thì “chia mười”. Cụ thể, người cắt đập lúa mướn cứ đập được mười thúng (hoặc thùng 20 lít) thì “ăn” một thúng, còn chín thúng đong vô bao chủ ruộng. Còn như lúa thất, khó đập thì chủ ruộng hạ mức xuống “chia chín”, hoặc “chia tám”...
Do làm thủ công, để đập cho rụng hết lúa (trên bông lúa), người đập dồn sức lực mà đập thật mạnh vào bồ. Từ đó, không chỉ lúa chắc mà lúa lép, lá lúa khô cũng gãy rơi vào bồ. Khi đong lúa vào bao, không chỉ có lúa chắc mà còn lẫn lộn nhiều lúa lép, lá lúa gãy vụn.
Hồi đó không có thương lái ra tận ruộng mua lúa tươi như bây giờ. Người làm ruộng dù ít hay nhiều, dù để ăn hay bán cũng phải kéo (hoặc gánh, vác, chở bằng xuồng, ghe…) về nhà phơi. Những nhà khá giả làm ruộng nhiều thì xây sân gạch phơi lúa. Hộ nghèo đi đập lúa mướn, hoặc mướn ruộng làm thì phơi lúa bằng đệm.
Cũng có nhà có sân đất cứng, quét sạch cát, rồi lấy phân trâu tươi khuấy nước tráng lên mặt sân (kiểu như tráng xi măng), chờ cho mặt sân tráng phân trâu khô cứng mới đổ lúa phơi. Lúa phơi khô rồi, do trong lúa lẫn lộn nhiều tạp chất, dù để đong lúa ruộng (những người mướn ruộng làm đong lúa mướn cho chủ ruộng) hay đong lúa cho người làm công (công cấy, công cày do chủ ruộng mướn), hay đổ vô bồ (dụng cụ chứa lúa, khác với cái bồ đập lúa) để dành ăn, cũng như bán cho thương lái, chủ lúa cũng phải làm cho “lúa sạch” bằng cách loại lúa lép và các tạp chất khác. Ðể làm lúa sạch, những nhà làm ruộng nhiều thì quạt lúa bằng “xe gió”, người có lúa ít thì giê, sảy.
Giê lúa chủ yếu dựa vào gió trời. Chờ cho có gió thì đem lúa ra giê. Cách giê là xúc lúa vô thúng, rồi bưng thúng lúa, đứng lên trên một cái ghế cho cao và đưa thúng lúa lên khỏi đầu, rồi từ từ đổ lúa xuống một cái nia được để trên một tấm đệm trải trên mặt đất. Khi lúa rớt xuống, gặp gió, lúa lép nhẹ bay ra khỏi nia, còn lúa chắc (nặng hơn) rơi xuống nia.
Thấy lúa trong nia chưa sạch, người ta bưng nia lên sảy tiếp, để tách lúa lép ra khỏi nia… Còn “xe gió” là dụng cụ quạt lúa, được đóng bằng gỗ, có cái thùng tròn lớn. Bên trong thùng là các cánh quạt được làm từ những tấm gỗ mỏng (cũng có người đóng cánh quạt bằng tôn).
Tay quay của quạt làm bằng thép gắn vào trục quay. Phía trên quạt là máng chứa lúa hình chiếc phễu, dưới máng có chỗ hở cho lúa chảy xuống. Khi quạt lúa, người quạt tay mặt cầm tay quay, còn tay trái điều chỉnh nhíp cho lúa xuống nhiều hay ít.
Phía dưới, ở trước quạt có hai cái thùng. Thùng gần cánh quạt dành cho lúa chắc rơi xuống (lúa chắc nặng không bay xa), còn thùng phía ngoài dành cho lúa lép rớt xuống. Phía trước quạt lúa là miệng quạt để trống cho rơm rác vụn, bụi lúa bay ra ngoài. So với giê thì quạt lúa bằng “xe gió” nhanh hơn nhiều, mà lúa cũng sạch hơn.
Ðể lúa thành gạo, tất nhiên phải qua sơ chế. Khi tôi lớn chút thì có nhà máy xay gạo rồi, cái cối xay và cối giã không còn ai dùng nữa. Nhưng nhà máy xay gạo lúc ấy chưa hiện đại như bây giờ. Xay lúa xong, trong gạo sạch vẫn còn lẫn lộn nhiều thóc và gạo lứt, có cả sạn, sỏi nhỏ (do phơi lúa dưới đất).
Vì vậy, để có “gạo sạch” trước khi nấu cơm, người ta phải sàng gạo. Dụng cụ sàng gạo gồm một thúng đựng gạo, một cái nia, một cái giừn (giần) và tất nhiên phải có một cái sàng. Các dụng cụ này được đương bằng tre hoặc trúc.
Người ta xúc gạo trong thúng đổ vào cái sàng, dưới sàng là cái nia (lọt sàng xuống nia). Khi sàng gạo, người sàng khéo léo làm cho thóc lộn trong gạo và gạo lứt nổi lên trên, tấm và sạn sỏi nhỏ lọt sàng rớt xuống nia, còn gạo tốt ở giữa. Người ta hốt phần thóc và gạo lứt ra riêng, để dành cho gà ăn. Phần gạo tốt thì đổ vào lu, vào khạp để dành nấu cơm.
Còn tấm dưới nia, người ta lấy giần (cũng giống như cái sàng, nhưng lỗ nhỏ hơn) giần cho sạch cát sạn. Tấm ngon, sạch thì nấu cơm, tấm nhuyễn quá, có tạp chất thì để nấu cháo heo. Sàng gạo như vậy rồi, nhưng đến lúc xúc gạo nấu cơm, người ta vẫn phải nhặt thóc lần nữa, trước khi vo gạo. Vậy mà đến lúc bới cơm ra chén, có khi còn lộn một, hai hạt thóc trong cơm.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc đã thay sức người. Nông dân áp dụng cơ giới hoá toàn bộ. Giờ thì thu hoạch lúa xong, nông dân bán lúa tươi tại ruộng. Nếu có đem về nhà phơi cũng chẳng cần quạt, hay giê sảy, vì lúa gặt đập liên hợp sạch rồi.
Còn nhà máy xay gạo được trang bị hiện đại không còn nhiều thóc lẫn lộn trong gạo, nên cũng chẳng còn ai phải ngồi sàng gạo, hay lượm thóc trong gạo trước khi nấu cơm. Các loại dụng cụ lao động thủ công “cầm tay” từ khâu thu hoạch lúa, đến lúc xúc gạo vào nồi nấu cơm vừa nêu trên (trừ cái thúng) đã thành quá khứ, xin được nhắc lại để những người bạn trẻ biết được phần nào về quá trình lao động của các thế hệ đi trước.
T.L