Quy định này áp dụng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên và các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, các Sở GD&ĐT, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số phải được thực hiện đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng nhiệm vụ được giao; được quản lý thống nhất và tuân theo quy định về phân cấp quản lý; tuân thủ các quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và các chính sách hiện hành về dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với giảng viên, giáo viên, học viên; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tính đặc thù ở mỗi vùng miền.
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên bảo đảm số lượng, trình độ như sau:
Trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có ít nhất 4 giảng viên cơ hữu (đối với mỗi thứ tiếng) đạt chuẩn được đào tạo đúng ngành hoặc thuộc khối ngành xã hội - nhân văn và thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng dân tộc thiểu số.
Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có đội ngũ giáo viên tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc thuộc khối ngành xã hội - nhân văn và thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng dân tộc thiểu số hoặc tốt nghiệp cao đẳng trở lên và có chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có chương trình chi tiết, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ GD&ĐT và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, ban hành.
Căn cứ vào các điều kiện bảo đảm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng quy định tại thông tư, trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên xây dựng đề án tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, trình Bộ GD&ĐT tạo phê duyệt. Riêng trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên xây dựng đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Đối tượng tuyển sinh vào khoá đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số là công dân Việt Nam có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có phẩm chất đạo đức tốt. Ưu tiên tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thường trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng tuyển sinh vào khoá bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là công dân Việt Nam người dân tộc thiểu số, có nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Điều kiện học viên được cấp chứng chỉ: học viên có điểm trung bình cộng từ 5 trở lên, không có bài kiểm tra dưới 2 điểm thì được đánh giá hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ.
Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Sở GD&ĐT có trách nhiệm quản lý việc cấp phát chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý.
Trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên của trường đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương ứng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tiếng dân tộc thiểu số là một trong những môn học tự chọn được khuyến khích.
Việt Đông