Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.
Hầu hết các gia trại và hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đều nhận thức cao về phòng, chống dịch bệnh; nhiều hộ thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động tìm giống vật nuôi mới, đúng theo nhu cầu của thị trường, có sức đề kháng cao, chống chịu với dịch bệnh.
Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh, đặc biệt có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn huyện có hơn 756.000 con gà, gần 98.000 con vịt. Bên cạnh việc tiêm vaccine cho đàn gia súc, huyện Châu Thành cũng đã tiêm 70.000 liều vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành thực hiện xong công tác tiêu độc sát trùng đợt 3.2022 với 400 lít thuốc, tổng diện tích thực hiện hơn 780.000m2 cho 3.900 hộ chăn nuôi và tại 9 chợ truyền thống.
Công tác kiểm soát vận chuyển mua bán gia cầm thực hiện đúng quy định, như kiểm tra vệ sinh thú y trước khi xuất tỉnh đối với các gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêu độc sát trùng chuồng trại, từ đầu năm đến nay huyện Châu Thành không phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Duy ở khu phố 2, thị trấn Châu Thành lập trại nuôi gà từ năm 2020. Giống gà anh chọn nuôi do Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam cung cấp. Mỗi năm anh nuôi 3 lứa, hiện trại gà của anh có 5.000 con, được áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Anh Duy thực hiện các biện pháp phòng bệnh từ khi bắt con giống về và tuân thủ quy trình tiêm phòng do cán bộ Thú y hướng dẫn; chuồng trại thường xuyên được sát trùng khử khuẩn theo định kỳ, trại nuôi chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Một chủ trại gà ở khu phố 2, thị trấn Châu Thành cho biết: “Khi gà giống mới mang về, tôi sát trùng chuồng trại bằng vôi; tiêm vaccine phòng H5N1 4 giai đoạn, dùng men tiêu hóa… theo hướng dẫn của ngành Thú y huyện. Một năm tôi chăn nuôi 3 lứa gà. Trong quá trình nuôi, tôi thường xuyên giám sát đàn gà để đạt hiệu quả hơn, không bị hao hụt con giống".
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, virus cúm gia cầm còn tiềm ẩn ở nhiều địa phương với tỷ lệ cao, nguy cơ xuất hiện một số chủng vaccine A/H7N9, A/H5N2… xâm nhiễm vào Việt Nam qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, nhập lậu gia cầm là rất lớn.
Một trại chăn nuôi gà.
Là tỉnh biên giới, Tây Ninh luôn có nguy cơ cao xuất hiện dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng mạnh trong các dịp lễ, tết… sẽ là điều kiện thuận lợi để dịch cúm gia cầm tái phát.
Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, chăn nuôi gia cầm đang phát triển mạnh, tổng đàn gia cầm tăng. Thời tiết có nhiều biến đổi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi, người chăn nuôi phải thường xuyên chú ý. Ngoài các biện pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, bà con chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tiêm phòng vaccine.
UBND tỉnh Tây Ninh đã có Công văn đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp”; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh, triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh…
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện xong đợt tiêm phòng lần thứ 2, với hơn 150.000 liều vaccine phòng các loại bệnh trên đàn vật nuôi.
Nhi Trần