Thầy Muốt với tiết dạy trên lớp học tình thương.
Đến thăm lớp học tình thương ở chùa Tứ Phước tại ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền vào một buổi tối trời mưa rả rích, những tiếng con trẻ đang đánh vần bi bô xua đi cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa.
Tiếp chúng tôi thân mật bên những tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ, thầy Lê Văn Muốt, người 19 năm gắn bó với lớp học tình thương vui vẻ kể, tốt nghiệp Trung học sư phạm năm 1986, chín năm gắn bó với nghề dạy học. Năm 1995 do hoàn cảnh khó khăn, thầy Muốt xin nghỉ dạy hưởng chế độ một lần. Trong khoảng thời gian ấy, ban ngày thầy lo bươn chải đủ nghề để mưu sinh. Thế nhưng đêm về, trong đầu thầy vẫn cứ nghĩ mình đang đứng trên bục giảng.
Năm 2003, sư cô Diệu Lạc, trụ trì Chùa Tứ Phước thành lập lớp học tình thương tại Chùa, nhằm góp một phần cưu mang những mảnh đời bất hạnh ở một ấp nghèo của xã Thanh Điền.
Sư cô Diệu Lạc kể, hàng ngày tận mắt các em nhỏ đi bán vé số trong chợ, vì hoàn cảnh khó khăn, các em không có điều kiện đến trường, nếu không được học hành sau này sẽ khổ.
Thế rồi lớp học tình thương chùa Tứ Phước ra đời, lớp 1 có 15 học sinh và lớp 3 có 20 học sinh. Lúc đầu chùa nhờ một số giáo viên của Trường tiểu học Thanh Hùng đến dạy, 3 tháng trôi qua, vì nhiều lý do, các giáo viên đều xin nghỉ.
Nhìn thấy các học trò nghèo nhưng hiếu học, Sư cô Diệu Lạc phải nhờ UBND xã tìm kiếm một giáo viên sẵn sàng tận tâm vì các em học sinh nghèo. Nghe thông tin từ UBND xã, ông giáo Muốt tự nguyện đến với lớp và duy trì cho đến nay.
Hồi tưởng những năm đầu mới thành lập, thầy Muốt tâm sự: “Những ngày đầu, tôi không sao quên được sự cực nhọc hằn lên trên gương mặt của các em. Nào là không đủ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, lớp học thì thiếu thốn đủ bề, nhưng điều đặc biệt hơn cả là dù nắng hay mưa chẳng em nào bỏ lớp”.
Sư cô Diệu Lạc, người đã dành hết tâm huyết và sức lực cho lớp học tình thương ở Chùa Tứ Phước bày tỏ niềm cảm phục đối với ông giáo Muốt: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bệnh tật liên miên nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ban ngày thầy Muốt đi làm đủ việc, ai kêu làm việc gì làm hợp với khả năng và sức khoẻ là thầy nhận làm, tối thầy lại đến lớp với các em mà không có một đồng thù lao”.
Tiếng lành đồn xa, và cứ thế lớp học tình thương Chùa Tứ Phước ngày càng nhiều học trò nghèo từ nhiều nơi đến học càng đông, số học sinh không chỉ trong xã Thanh Điền mà có cả những em ở các địa phương lân cận.
Thường xuyên mỗi năm học có từ 25 đến 45 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên, vì phần đông là con em gia đình lao động di cư từ các tỉnh khác đến, ba mẹ làm trong các nhà máy, xí nghiệp; có gia đình cả nhà đi bán vé số dạo, phụ các hàng ăn uống hoặc đi nhặt ve chai…nên lớp học luôn biến động. Lớp chỉ hoạt động vào các buổi tối từ 17 giờ đến 19 giờ.
Để giúp các em bám lớp, bám trường, thầy Muốt phải động viên, dỗ dành, mặt khác kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà tài trợ nên các em hầu hết đều có sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Điều đặc biệt ở lớp học tình thương này là từ lớp 1 đến lớp 5 thuộc nhiều độ tuổi, có em 8, 9 tuổi lần đầu mới làm quen với con chữ.
Em Trần Thị Thanh Thảo theo học từ lớp 1, đến nay học lớp 4, bộc bạch: “Thấy các bạn cùng lứa tuổi biết đọc, biết viết em thích lắm, nhưng nhà nghèo phải ở nhà trọ, ba mẹ đi phụ hồ nên không có tiền nên em phải ở nhà giữ em, nấu cơm, phụ việc nhà. Nhờ theo lớp học tình thương học vào buổi tối của chùa, nay em đã biết đọc, biết viết thành thạo và còn biết làm các bài toán”.
Em Phạm Như Quang, ba chết, mẹ bỏ đi, em ở với bà ngoại, tâm sự: “Ở lớp học này thầy rất vui vẻ, ân cần dạy bảo các em, lâu lâu được chùa tặng sách vở, đồ dùng học tập và còn được liên hoan bánh, kẹo, em thích lắm vì đến lớp được vui chơi với các bạn lại còn được học chữ”.
Nhận xét về lớp học tình thương và tấm lòng của thầy giáo Muốt, ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thanh Điền đánh giá: “Đây là mô hình xã hội hoá giáo dục nên địa phương rất ủng hộ và khuyến khích. Lớp học đã giải quyết được tình trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ tái định cư trên địa bàn. Thông qua lớp học tình thương này, các em được học tập và dạy dỗ với tình yêu thương tinh thần, trách nhiệm và tự nguyện của thầy Muốt đã giúp các em trưởng thành nhiều hơn. Ngoài ra còn góp phần trong công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương”.
Ngần ấy năm theo lớp, thầy Muốt đã truyền dạy cho hàng trăm trẻ em ở vùng nông thôn nghèo có được cái chữ, chấp cánh ước mơ cho những trẻ thơ hiếu học. Từ lớp học tình thương này, có nhiều em đã thành đạt trong cuộc sống.
Tố Tuấn - Hà Quang