Giáo viên Trường THPT Tây Ninh kiểm tra nhà để xe học sinh.
Người đủ 16 - dưới 18 tuổi chỉ được lái xe mô tô dưới 50 phân khối
Theo quy định tại Điều 60, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về tuổi, sức khoẻ của người lái xe, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh cấp 3 điều khiển xe mô tô 100 phân khối đến trường vẫn diễn ra thường xuyên, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do các em điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.
Tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, nhiều học sinh chạy xe tay ga, xe phân khối lớn. Vào giờ tan học, hàng chục lượt học sinh điều khiển xe máy hiệu Vision, AirBlade, Wave, Dream, Sirius… hoà vào dòng xe trên đường. Nhiều em còn chạy dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh gây mất trật tự an toàn giao thông.
Em T.V.H, ngụ thành phố Tây Ninh cho biết: “Vào học cấp THPT, cha mẹ trang bị cho em xe máy để đi học. Em thấy xe 50 phân khối hay 100 phân khối cũng giống nhau, quan trọng là cách mình điều khiển, thường xuyên chú ý xung quanh sẽ giữ được an toàn. Em thường gửi phương tiện ở quán nước bên ngoài để tránh nhà trường phát hiện”.
Bà Trần Thị Hoa, bán đồ ăn vặt trước cổng trường trên địa bàn thị xã Hoà Thành nói: “Các em đi xe máy đến trường rất nhiều, có những chiếc xịn lắm, từ xe số đến tay ga. Học sinh cấp 3 thường chưa đủ 18 tuổi, khả năng xử lý tình huống tham gia giao thông còn thấp, nguy cơ gây tai nạn khi chạy xe 100 phân khối rất cao”.
Để ngăn chặn tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm- nhất là các quy định về độ tuổi và điều kiện lái xe. Trong 9 thángnăm 2022, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản 486 trường hợp, phạt cảnh cáo 375 trường hợp vi phạm liên quan đến trẻ em dưới 16 tuổi; vi phạm liên quan đến thanh thiếu niên từ 16 - dưới 18 tuổi có 753 trường hợp bị lập biên bản.
Dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, xử lý nhưng tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối đến trường vẫn khá phổ biến ở nhiều điểm trường THPT trên địa bàn. Trong khi đó, hầu hết học sinh đang học cấp THPT vẫn chưa đủ tuổi được cấp giấy phép điều khiển xe trên 50 phân khối, trừ một số em có tuổi lớn hơn so với cấp học, tuy nhiên, trường hợp này rất ít.
Gian nan việc chấn chỉnh
Theo ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ở cấp THPT, các em sử dụng xe mô tô khá nhiều, thường là ở lớp 11 và 12. Với lớp 10, do các em vừa chuyển từ cấp THCS sang cấp THPT, việc phụ huynh tạo điều kiện cho sử dụng xe mô tô thường không nhiều bằng học sinh lớp 11 và 12.
Thời gian qua, việc vi phạm giao thông ở học sinh xảy ra khá nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có các em sinh từ ngày 21.11.2004 mới đủ điều kiện thi bằng lái mô tô hạng A1, các trường hợp còn lại chưa đủ điều kiện dự thi bằng lái. Trong khi đó, qua khảo sát, các trường hợp ít sử dụng xe mô tô đối với cấp THPT chiếm khoảng 11%, số còn lại hầu hết là sử dụng mô tô đến trường.
Từ đầu năm học đến nay, có 46 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 44 vụ xảy ra khi học sinh đang sử dụng xe mô tô tham gia giao thông, đặc biệt có 10 vụ học sinh gây tai nạn khi đang sử dụng xe mô tô. Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các cơ sở giáo dục để tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông. Nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm; phối hợp với ngành chức năng- nhất là lực lượng Công an thực hiện biện pháp răn đe để các em có ý thức hơn. Việc tuyên truyền được thực hiện liên tục, đầu, giữa và cuối năm cho phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp nhà chỉ có 1 phương tiện, phải giao xe cho con đi học, không có điều kiện mua xe khác. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, gây ra những tình huống khó xử cho các cơ sở giáo dục trong việc chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường.
Bà Lê Thị Ánh Minh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh) cho biết: “Khó khăn của nhà trường trong việc chấn chỉnh tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường đó là một số em nhà ở xa, gia đình khó khăn không có điều kiện mua thêm xe gắn máy cho các em đi học. Phụ huynh và học sinh sử dụng chung xe với nhau. Đơn vị có liên hệ phụ huynh đến trường để trao đổi, tìm giải pháp khắc phục. Đây là vấn đề cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.
Qua đợt khảo sát vào đầu năm học, Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành) có 1.528 học sinh, trong đó có khoảng 1/6 học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường. Nhà trường xác định muốn kéo giảm tình trạng này phải tìm hiểu cụ thể từng nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu, đơn vị xác định, học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường phần lớn có sự đồng ý của cha mẹ.
Đại diện Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết, trường hợp không biết việc giao xe phân khối lớn cho con đến trường là vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ rất thấp; thứ hai là trường hợp biết nhưng không thực hiện. Có trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có điều kiện đưa đón, đường từ nhà đến trường hơi xa nên phải giao xe cho con hoặc không có tiền mua xe mới. Ngoài ra, ở khu vực thành thị, nhiều bậc cha mẹ cưng chiều mua sắm xe phân khối cho con đến trường. Sau khi tìm hiểu các nguyên nhân, nhà trường tập trung xây dựng, triển khai giải pháp để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh về việc chưa có giấy phép lái xe thì không được điều khiển phương tiện trên 50 phân khối đến trường, để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và người khác.
Theo quy định hiện hành, người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt: phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là phạt cảnh cáo. Từ đủ 16 - dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng.
Phương Thảo
(Còn tiếp)