Các ứng viên dự kỳ thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng 3 trường trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thi tuyển rộng khắp
Ngày 17-11 vừa qua, 25 ứng viên dự kỳ thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào vòng thi đầu tiên, với việc viết và trả lời các câu hỏi về những vấn đề “nóng” của ngành Y tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những ứng viên đạt từ 50/100 điểm phần thi này sẽ thi trình bày đề án “Tăng cường nguồn nhân lực bệnh viện về chuyên môn và quản lý trong giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030” vào ngày 30-11.
Trước đó, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức kỳ thi với 12 ứng viên thi tuyển 3 chức danh phó hiệu trưởng 3 trường trung học phổ thông... Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức thi tuyển chức danh quản lý để lựa chọn và bổ nhiệm 13 vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Ban An toàn giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND huyện Hóc Môn. Năm 2023, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp huyện và tương đương.
Tương tự, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa thông báo kế hoạch thi tuyển 7 vị trí chức danh thuộc diện Ban Thường vụ quản lý, gồm: Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lưu Tài Đoàn cho biết thời gian qua, các địa phương, sở, ngành của tỉnh đã tổ chức thành công nhiều đợt thi tuyển các chức danh quản lý, lãnh đạo. Đây cũng là nguồn cán bộ để tỉnh xây dựng quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận.
Trong tháng 11-2022, tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức kỳ thi tuyển các chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2022. Có 10 ứng viên thi tuyển vào các chức danh: Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phó Giám đốc Sở Tài chính; Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
Tăng tính dân chủ, minh bạch, khách quan
Theo Văn bản số 3135-CV/VPTƯ ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng triển khai thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, các địa phương phía Nam thực hiện thí điểm gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre. Một số tỉnh không nằm trong diện thí điểm nhưng cũng tổ chức thi, gồm: Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Tháp…
Theo đánh giá chung của các địa phương, các kỳ thi tuyển đã góp phần xóa bỏ tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ trước đây, tăng cường tính dân chủ, minh bạch, khách quan. Các ứng viên tham gia thi tuyển có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân. Việc thi tuyển góp phần hạn chế tình trạng một số cán bộ nhà nước có năng lực chuyển công tác sang khu vực tư.
Thầy giáo Hồ Sĩ Nhật Nam, người vừa trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hòa Bình (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng với thi tuyển, mọi người đều có cơ hội như nhau, ứng viên mạnh dạn bộc lộ bản thân. Ban Giám khảo tiếp xúc trực tiếp với thí sinh nên sẽ thấy được năng lực thực sự để chọn người phù hợp.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết, tỉnh đã rút ra 5 bài học qua việc tổ chức các kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo. Một là, thi tuyển là định hướng, quan điểm mang tính đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, pháp luật về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, nên cần thực hiện hiệu quả. Hai là, cần kết hợp chặt chẽ và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ với tổ chức thi tuyển để không lãng phí quá trình quy hoạch và lựa chọn được người tài giỏi. Ba là, cần làm tốt công tác tư tưởng để xóa bỏ tâm lý e ngại của ứng viên khi tham gia thi tuyển. Bốn là, cần thiết kế nội dung, hình thức thi tuyển để đánh giá toàn diện các ứng viên. Năm là, thực hiện công khai, minh bạch việc thi tuyển; có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc chấm điểm, đánh giá ứng viên; xử lý nghiêm những tiêu cực trong thi tuyển.
Theo Bộ Nội vụ, qua 5 năm triển khai thí điểm thi tuyển chức danh quản lý tại 12/14 cơ quan trung ương, đã lựa chọn và bổ nhiệm được 42 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng; tại 17/22 tỉnh, thành của cả nước, đã tuyển chọn được 368 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng. Hiện Bộ đang triển khai tổng kết việc thực hiện đề án để hoàn thiện, triển khai rộng khắp trong thời gian tới.
Nguồn hanoimoi