Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường - Báo Tây Ninh Online

Thứ bảy - 06/08/2022 10:45
BTNO - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (gọi tắt là Chương trình).

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Tây Ninh

Chương trình gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, nguồn thực phẩm sạch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... góp phần hạn chế tăng giá, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.

Chương trình được thực hiện từ ngày 1.7.2022 đến 31.3.2023 và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1.7 - 31.12.2022, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong các ngày lễ cuối năm và tết dương lịch; dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai. Giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2023 đến hết 31.3.2023, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân cho dịp tết nguyên đán và các ngày lễ đầu năm.

Nhóm hàng tham gia chương trình gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, thực phẩm chế biến các loại, thịt các loại, trứng, thuỷ hải sản, rau, củ, quả; sữa, nước uống đóng chai, nước giải khát, bia các loại, bánh, kẹo, mứt; gia vị như đường, dầu ăn, nước chấm các loại, bột ngọt, bột nêm các loại; sản phẩm tiêu dùng gia đình như nước rửa chén, chất tẩy rửa...

Nhóm hàng liên quan đến hoạt động phòng, chống Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh... và nhóm nhiên liệu gồm xăng, dầu diesel, dầu hoả, gas...

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện chương trình, trong đó, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường và tình hình cung cầu hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá tham gia Chương trình, kịp thời thực hiện biện pháp bình ổn thị trường theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trong trường hợp vượt thẩm quyền; phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát năng lực sản xuất, khả năng bảo đảm nguồn hàng, tình hình dự trữ, cung ứng hàng hoá bình ổn thị trường, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp và quy định của Chương trình.

Mặt khác, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành trên cả nước, trọng tâm là các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối và tạo chuỗi cung ứng hàng hoá ổn định, có khả năng chi phối, dẫn dắt thị trường.

Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để điều chỉnh giá bán bình ổn kịp thời khi thị trường biến động hoặc có văn bản trả lời về đề nghị tăng, giảm giá của doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của Chương trình. Phối hợp các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp tham gia Chương trình; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả và đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất hàng hoá nông thuỷ sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh bảo đảm sản phẩm sạch cung ứng trên thị trường. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo tốt sản xuất- nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả để có đủ hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; có biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm một cách hiệu quả, kịp thời, không để bùng phát thành những ổ dịch lớn làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tạo điều kiện, bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán lưu động hàng hoá bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu tại các trường học, bệnh viện, khu chế xuất, khu-cụm công nghiệp, đặc biệt ưu tiên phân phối bán hàng lưu động phục vụ tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Cục Quản lý thị trường xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không có hoá đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1,2 triệu người cùng một số lượng khách vãng lai, nhập cư, dự kiến phục vụ cho khoảng 1,4 triệu người (khoảng 325.000 hộ). 

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, ngũ cốc 16.800 tấn/tháng; đường 700 tấn/tháng; dầu ăn 840.000 lít/tháng; thịt gia cầm 2.100 tấn/tháng; thịt gia súc 2.100 tấn/tháng; trứng gia cầm 11,2 triệu quả/tháng; rau, củ quả 21.000 tấn/tháng; thuỷ hải sản 3.500 tấn/tháng. Gia vị gồm: muối ăn 252 tấn/tháng; nước mắm 700.000 lít/tháng; nước tương 700.000 lít/tháng.

Các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19: khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) 21 triệu cái/tháng; nước rửa tay sát khuẩn 700.000 lít/tháng. Nhóm hàng nhiên liệu với 3 mặt hàng thiết yếu gồm: gas, xăng, dầu diesel, dầu hoả.

Giang Hà

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp