Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tháo gỡ bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai - Báo Tây Ninh Online

Chủ nhật - 07/08/2022 16:46
BTN - Công tác giải quyết các thủ tục hồ sơ về đất đai là vấn đề “nóng” thời gian qua. Trong lĩnh vực này, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) chiếm trên 90%. Đây là lĩnh vực phát sinh nhiều phản ánh, khiếu nại do chậm trả kết quả so với thời gian quy định.

Người dân đến làm thủ tục về đất đai ở huyện Dương Minh Châu.

Số lượng hồ sơ đất đai tăng đột biến

Tại huyện Dương Minh Châu, 6 tháng đầu năm 2022, trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai, tổng số hồ sơ tiếp nhận, đã giải quyết là 21.583 hồ sơ, gồm: 10.565 hồ sơ cấp giấy chứng nhận; 4.105 hồ sơ đo đạc; 5.555 hồ sơ đăng ký, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm, hồ sơ gia hạn, thay đổi chứng minh nhân dân; 1.172 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất; 1 hồ sơ thu hồi đất; 185 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Số hồ sơ đã giải quyết là 19.982, trong đó: sớm hạn 6.166 hồ sơ; đúng hạn 13.808 hồ sơ; trễ hạn 8 hồ sơ. Còn khoảng 1.600 hồ sơ chưa giải quyết, trong đó: 553 hồ sơ còn trong hạn giải quyết và 1.314 hồ sơ quá hạn giải quyết (gồm 46 hồ sơ cấp giấy chứng nhận, 1.268 hồ sơ đo đạc).

UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án trọng điểm như: dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782, ĐT 784, đường Đất Sét - Bến Củi; dự án Tuyến đường kết nối vùng N8 - ĐT 789 xã Bến Củi; dự án di dời tuyến kênh T12-17... kéo theo tình trạng sốt đất, số lượng hồ sơ tiếp nhận về đất đai tăng đột biến. Tình trạng người dân nộp hồ sơ đất đai tại bộ phận Một cửa huyện ngày càng nhiều, dẫn đến việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bị quá tải.

Việc tiếp nhận hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai sử dụng qua 2 phần mềm: phần mềm Một cửa điện tử để tiếp nhận hồ sơ, liên thông thuế và thanh toán nghĩa vụ tài chính trên dịch vụ công quốc gia; phần mềm VBDLIS tiếp nhận hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, hai phần mềm trên chưa được đồng bộ với nhau nên cán bộ tiếp nhận phải đăng nhập trên hai phần mềm, mất nhiều thời gian và khó khăn cho công tác tiếp nhận.

Mặt khác, phần mềm VNPT thu phí, lệ phí chưa hoàn chỉnh nên việc thực hiện thu phí, lệ phí chỉ chọn được một danh mục thu, phải thực hiện thao tác nhiều lần, gây mất nhiều thời gian trong tiếp nhận hồ sơ.

Ngoài ra, do số lượng hồ sơ tăng đột biến, có ngày tăng 500 hồ sơ/ngày, lớn hơn khả năng, năng lực nhân sự xử lý tính thuế của Chi cục Thuế khu vực Hoà Thành - Dương Minh Châu, dẫn đến việc tính thuế và trả thông báo thuế liên quan đến TTHC về đất đai của chi cục chưa bảo đảm theo thời gian quy định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh vấn đề TTHC đất đai, ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đầu năm 2022, tình hình sốt đất gia tăng, đặc biệt là việc phân lô, tách thửa, bán nền tạo cơn sốt đất ảo thời gian qua trên nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh.

Bên cạnh đó, do thông tin tỉnh đang xem xét ban hành văn bản mới quy định về tách thửa, hợp thửa theo hướng kiểm soát chặt hơn làm cho các giao dịch về đất đai của người dân tăng nhanh ở các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký cấp huyện, gây nên tình trạng quá tải.

Ngành cũng đang thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, do đó, khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ, vừa cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, vừa đưa vào phần mềm Một cửa nên 100% hồ sơ phải scan chuyển sang dữ liệu số, tốn thêm thời gian.

Cụ thể, tình hình tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm Một cửa của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai 6 tháng đầu năm 2022 như sau: Tổng số hồ sơ tiếp nhận trong kỳ là 134.528 hồ sơ; số hồ sơ đã xử lý 128.747 hồ sơ, trong đó, đúng hạn 124.012 hồ sơ, quá hạn 4.735 hồ sơ. Số hồ sơ chưa giải quyết 5.781 hồ sơ, trong đó, trong hạn 5.093 hồ sơ, quá hạn 688 hồ sơ. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 76,12% (134.528 hồ sơ/76.383 hồ sơ).

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, đầu vào và đầu ra quy trình TTHC cấp giấy thuộc ngành TN&MT nhưng để hoàn thành hồ sơ, trả kết quả, thường phải có sự phối hợp tham gia của địa chính xã, UBND cấp xã, Phòng TN&MT cấp huyện và ngành Thuế... nên việc kiểm soát thời gian giải quyết thủ tục bị động, kéo dài.

Cơ quan Thuế xác định nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện kịp thời gian theo quy chế phối hợp dẫn đến trễ hạn. Số lượng hồ sơ tồn đã chuyển qua cơ quan Thuế đến ngày 24.6.2022 là 15.327 hồ sơ, trong đó: trong hạn 5.545 hồ sơ, quá hạn 9.782 hồ sơ.

Quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ

UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, để khắc phục những hạn chế liên quan đến TTHC về đất đai, UBND huyện đã đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh chi nhánh Dương Minh Châu bố trí thêm nhân sự hỗ trợ các bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị; Văn phòng HĐND và UBND huyện đã ban hành Thông báo số 35/TB-VP ngày 13.5.2022 về việc tiếp nhận hồ sơ theo TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Dương Minh Châu, trong đó, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại quầy số 1 và số 2 gồm các thủ tục về đo đạc, chỉnh biến động, sao lục hồ sơ, trích sơ đồ, cấp đổi, chuyển quyền sẽ được tiếp nhận giải quyết theo địa bàn các xã, thị trấn theo các ngày trong tuần.

Bên cạnh đó, UBND huyện đề nghị Chi cục Thuế khu vực Hoà Thành - Dương Minh Châu tăng cường nhân lực để bảo đảm việc tính thuế và trả thông báo thuế liên quan đến TTHC về đất đai. Hiện nay, Chi cục Thuế khu vực Hoà Thành - Dương Minh Châu đã tăng cường nhân lực, tăng ngày làm việc thứ 7 hằng tuần để giải quyết các hồ sơ tồn đọng, trong thời gian tới tiếp tục duy trì giải quyết hồ sơ liên quan đến đất đai bảo đảm theo thời gian quy định.

Huyện cũng đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chi nhánh Dương Minh Châu hỗ trợ đơn vị tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện, sớm hoàn thiện dữ liệu đưa lên hệ thống các xã còn lại và các thửa đất đã mất.

Ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở sẽ tăng cường nguồn lực cho hệ thống văn phòng đăng ký, bảo đảm được nhu cầu công việc và khả năng cân đối nguồn tài chính tự chủ toàn phần. Công tác trả kết quả cho dân cũng sẽ được bố trí theo trình tự khoa học; liên hệ người dân kịp thời đến nhận kết quả, bổ sung thêm nhân viên trả kết quả (theo khối lượng hồ sơ có kết quả cần trả).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghệ thông tin, từng bước thực hiện hoàn chỉnh TTHC lĩnh vực đất đai mức độ 3, 4 là tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua dịch vụ công và bưu chính công ích; phối hợp với bưu điện thực hiện ký kết một số thoả thuận về nhận kết quả qua tin nhắn của bưu điện, kèm theo thư xin lỗi nếu hồ sơ trễ hạn; đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thực hiện liên thông đồng bộ giữa phần mềm một cửa, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và liên thông với ngành Thuế để giảm áp lực trong quá trình thực hiện TTHC về đất đai.

Sở TN&MT đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo mô hình tập trung cấp tỉnh kết nối trực tiếp tới 9/9 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc tại các huyện, thị xã, thành phố bằng phần mềm Vilis 2.0, VBDLIS, VNPT-iLIS để thực hiện các công việc như: kê khai đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ, chỉnh lý biến động và lưu trữ dữ liệu. Nhìn chung, đã cải thiện dần độ chuẩn xác, hạn chế được nhiều sai sót, rút ngắn thời gian và hạn chế việc thất lạc hồ sơ khi luân chuyển từ huyện lên tỉnh và ngược lại, tiết kiệm kinh phí và nhân lực phục vụ công tác in giấy chứng nhận.

6 huyện đang thực hiện Dự án VILG sử dụng phần mềm VBDLIS của Viettel Tây Ninh theo chỉ định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh; hai huyện Tân Biên và Tân Châu sử dụng phần mềm VNPT-iLIS của VNPT Tây Ninh.

Giang Hà

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp