Người dân tham quan một gian hàng ở Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành, năm 2022. Ảnh: Trúc Ly
Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động này, UBND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, bán hàng Việt Nam tại các khu, cụm công nghiệp và những nơi có đông công nhân lao động sinh sống; các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Hằng năm, xây dựng mô hình về Điểm bán hàng Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của tỉnh; từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các huyện, thị xã, thành phố, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện đưa các hàng hoá thiết yếu là hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với giá cả các mặt hàng, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng; chuỗi giá trị; chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, tiêu dùng bền vững; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.
Tích cực hỗ trợ các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa; có kế hoạch xây dựng điểm bán hàng Việt tại địa phương.
Phối hợp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời, mở rộng ra thị trường nước ngoài. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt. Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025.
Phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng; đa dạng các kênh bán hàng tiện ích, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ hàng hoá Việt Nam.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai các nội dung cuộc vận động theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động.
Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất và toàn xã hội về cuộc vận động; xây dựng văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam, của cộng đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Khuyến khích, động viên người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp trong hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động. Đẩy mạnh các hoạt động vận động người tiêu dùng trong tỉnh sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hoá Việt Nam và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các giải pháp để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan toả.
Hy Uyên