Thu hoạch mía bằng cơ giới ở nông trường Thành Long (ảnh minh hoạ)
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tây Ninh, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói chung.
Phấn đấu xây dựng nông thôn thành “nơi đáng sống”
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thuỷ sản bình quân từ 2% - 2,5%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 4%/năm. Phấn đấu tăng thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,1%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 40%.
100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 16,4%, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 4.000 ha. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 115 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và trên 150 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn; có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị.
Những mục tiêu ưu tiên thực hiện trong thời gian tới như: xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá, giữ gìn văn hoá truyền thống; nâng cấp và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông thôn bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hoá, thể thao…
Với mục tiêu lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, định hướng đến năm 2050, Tây Ninh phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Một góc nhà máy - nông trại chăn nuôi, sản xuất trứng gà của Công ty QL tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên (ảnh minh hoạ)
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến
Về kinh tế, tỉnh sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh theo 2 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương) và 4 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp).
Trong đó, tỉnh chú trọng việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường việc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, áp dụng phòng trừ dịch hại cây trồng bằng phương pháp sinh học nhằm giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng; tuyên truyền vận động, tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...
Các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nâng cao trình độ cơ giới hoá, tự động hoá đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, gần với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao.
Tiến tới tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng theo từng nhóm thị trường; hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết nối giao thông và logistic giữa các vùng sản xuất với thị trường hoặc cửa khẩu chính.
Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản; thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả, phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tạo động lực tăng trưởng phát triển cho tỉnh; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Trong đó, ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc sản của địa phương; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh thí điểm, nhân rộng và đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác.
Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng đa dạng hoá Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế vùng miền, hoàn cảnh và cơ hội phát triển địa phương theo 3 hướng: các xã khu vực ven đô thị có kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, đồng thời dịch vụ, thương mại và hạ tầng phát triển mạnh thì hướng tới đô thị hoá.
Các xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá thì xây dựng các vùng chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, có hạ tầng và các cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các xã nông thôn truyền thống thì phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; bảo tồn và phát huy văn hoá địa phương. Đối với các xã giáp biên giới, tỉnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển giao thương, bảo đảm an ninh nông thôn biên giới.
An Khang