Nhà ông Tư Đẩu ở khoảng giữa 2 thân cây sao trong ảnh.
Đấy là những con phố nằm trong khu phố cũ, nay thuộc phường 2, ở bên tả ngạn rạch Tây Ninh. Sáng nay loanh quanh, tôi đã được lướt êm bánh xe máy trên một vài đoạn đường vừa đổ bê tông nhựa, như ở đoạn đầu phố Hàm Nghi.
Đầu tháng 11, tôi có bài về những cây sao đen trên đường phố, có thể là cổ nhất của đô thị Tây Ninh. Hai trong 5 cây sao đã bị chặt tỉa gần hết ngọn, cành. Trơ lại trên nền trời một thân cây với vài cành lớn, cành con đã bị chặt hết lá. Hôm nay thăm lại, vẫn vậy thôi, chưa nẩy được một chùm lá xanh nào. Liệu cây có vượt qua được mùa đông lạnh này, để còn nẩy lộc đón xuân sang?
Loanh quanh khu phố cũ. Chợt nhận ra khu phố này có đầy đủ các thiết chế văn hoá của làng xã thời phong kiến chưa xa. Chùa, có các ngôi: Thiền Lâm cổ, Ông Gia Ninh, Thích Quảng Đức và Hưng Thái. Đình thì có Hiệp Ninh. Miếu có đến 3 ngôi đền miếu của người Hoa là: Ngũ Công, Quan Thánh đế quân và Thiên Hậu. Nay chùa chỉ còn có 2. Miếu vẫn còn đầy đủ.
Tuy vậy, đã mất đi vài dấu tích xưa. Như chợ cũ, ở kề bên Trung tâm Y tế Thành phố bây giờ. Hay Công sở Hiệp Ninh, trụ sở để hương chức làng Hiệp Ninh xưa làm việc. Chùa Ông Gia Ninh, tương truyền từng là nơi Nguyễn Ánh về ẩn náu trốn tránh sự truy đuổi của quân đội Tây Sơn, cũng đã không còn nữa. Nơi ấy nay là trụ sở UBND phường. Mấy anh dân phòng mới có sáng kiến làm một vườn hoa nhỏ, trên có treo vài lồng chim cho chúng hót chơi. Đi qua, đôi khi tôi phải dừng để ngắm và nghe chim hót…
Kể sơ sơ thế để thấy rằng khu phố cũ, nếu bảo tồn được đầy đủ các kiến trúc xưa thì có thể nay đã thành phố cổ. Đáng để cho du khách thập phương đến tìm hiểu về lịch sử văn hoá, hoặc đơn giản chỉ là thăm thú. Thì vài chục năm trước, ai mà nghĩ sẽ có thời du lịch lại lên ngôi.
Chỉ trên một đường Hàm Nghi, tôi thấy đã có một di tích được “xếp hạng” rồi! Đấy là Khám đường, nơi giam cầm những người yêu nước suốt hai thời kháng chiến. Từ Khám đường, thả dốc xuôi xuống chính là đoạn phố còn 5 cây sao đen già cỗi, đứng ngắm nhìn thế cuộc trong hơn một thế kỷ vừa qua.
Đây cũng là đoạn đường chạy ở phía sau khu TTC Plaza và toà ngân hàng Sacombank hiện đại, mặt chính quay ra đại lộ. Hết đoạn phố là tới ngã tư giữa đường Pasteur và Hàm Nghi. Ở góc ngã tư có một nơi đáng để ghi nhớ về lịch sử. Đấy là nhà ông Trần Văn Đẩu (Tư Đẩu), người chỉ huy đầu tiên của lực lượng vũ trang đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám ở Tây Ninh.
Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), in năm 2010 ghi rằng: “Ngày 16.8.1945, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập cuộc họp tại nhà đồng chí Trần Văn Đẩu (Tư Đẩu) gần chợ cũ, thị xã Tây Ninh. Hội nghị nhất trí đánh giá tình thế cách mạng đã chín muồi, quyết định thành lập Ban Vận động giành chính quyền và phân công nhau thực hiện…”.
Sáng nay, tôi đi qua và chợt nhớ. Ở ngay cái góc ngã tư đối diện ấy hiện là một sân chơi cho thiếu nhi bị bỏ hoang, chơ vơ mấy thiết bị đã hoen gỉ bên đường. Nhớ rằng, trước kia nơi này có một lô cốt bê tông nửa nổi nửa chìm, với những lỗ châu mai hướng ra tứ phía. Lô cốt chỉ cách nhà ông Tư hơn 20m.
Vậy là cuộc họp quan trọng nhất với Cách mạng tháng Tám ở Tây Ninh đã diễn ra ngay dưới tầm các họng súng trong các lỗ châu mai đen đúa ấy. Tài tình và lạ lùng không? Các nhà cách mạng tiền bối ở tỉnh nhà đã vận dụng quy luật:- Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất. Để rồi chỉ 9 ngày sau cuộc họp này, cuộc cách mạng giành lấy chính quyền ở Tây Ninh đã trọn vẹn thành công.
Ngôi nhà ông Tư Đẩu năm xưa đã có chủ khác ở mất rồi! Nó cũng đã được xây lên 2 lầu ở góc ngã tư. Không còn là nhà trệt mái ngói như trong vài tấm ảnh cũ in trong sách sử. Và cả chiếc lô cốt nữa! Người ta cũng đã đập bỏ đi để xây siêu thị, chỉ còn 5 cây sao đen vẫn trơ lỳ đứng đó, như một nhân chứng thầm lặng đứng bên đường. Hai trong 5 cây sao ấy không biết có còn trụ nổi qua mùa đông năm 2021 để tiếp tục trong um tùm tán lá, rì rầm kể những câu chuyện mình đã từng chứng kiến suốt trăm năm?
Nguyễn