Đầu tiên phải chọn một vài cây trúc đá thẳng thớm, lóng nhặt, đọt không bị giò nai… rồi róc cho sạch cành lá, đem phơi nắng. Cây trúc phơi chừng hai đến ba nắng thì đem vào uốn cần. Đốt lò than, lấy cái khăn thấm nước, sau đó hơ cần trên lửa để uốn cho thẳng cây, xong cần thì phải tính độ dài ngắn của cần mà cưa bớt.
Dân câu kéo rất... mê tín, truyền cho nhau “bí quyết”, đó là cần câu dài hay ngắn phải đếm các lóng từ lóng thứ nhất cho đến lóng cuối cùng ở các con số 4 - 8 - 16 - 20 - 24 - 28… câu cá mới nhạy. Tức là phải đếm các lóng theo thứ tự “sinh - lão - bệnh - tử”, và lóng cuối cùng phải rơi vào chữ “tử”- nghĩa là chết, mà cá ăn câu là cá phải chết.
Sau đó mới lấy nhớt lau lên cần câu rồi đem phơi nắng. Phơi cần câu phải cắm theo phương thẳng đứng, để cần không bị giật cong, không để phụ nữ bước qua cây cần, vì dân câu quan niệm, hễ đàn bà con gái bước qua cần câu sẽ bị xúi quẩy, không bao giờ câu được cá.
Cần câu làm xong thì việc tiếp theo là làm rọng đựng cá. Rọng có rất nhiều kiểu dáng, chung quy có các kiểu đan theo hình hồ lô thì gọi là cái đụt, còn làm theo hình trụ tròn túm hai đầu thì gọi là rọng dài, kiểu hình hộp vuông gọi là rọng đứng…
Nguyên liệu làm rọng là dây kẽm và nan trúc. Dây kẽm loại to dùng để làm khung sườn, các nan trúc được cột hay bện vào đó mà thành hình. Trúc làm rọng phải chọn loại trúc già, phết nhớt lên rồi phơi cho bớt thấm nước. Vì khi đi câu chủ yếu rọng bị ngâm dưới nước, rất mau hư mục…
Tuy chỉ là ngư cụ, nhưng rọng cá lại là một tác phẩm nghệ thuật, người làm rọng tha hồ sáng tạo kiểu dáng để có một cái rọng đẹp và chắc. Có cần câu và rọng cá thì phải chuẩn bị dây, phao và uốn lưỡi câu. Dây câu cá rô thường là loại dây gân nhỏ, tốt nhất là loại gân bảy màu, tiệp với nước, cá không nhát ăn. Phao thì chọn các cây cờ bắp, đem phơi khô, tẩm sáp ong…; lưỡi câu mua ở chợ hoặc tự uốn.
Xưa kia, sát bên xã tôi có con suối nhỏ, dân ở đây gọi là suối cạn. Vì vào mùa nắng, con suối này không còn nước. Suối cạn bắt nguồn từ các cánh đồng ruộng ngập nước ngoài xứ Đồng Pal, rồi chảy qua trảng Mười Tu và cuối cùng đổ ra dòng Tha La.
Hai bên bờ suối cạn chủ yếu là rẫy mía và khoai mì, đoạn gần suối Tha La người ta trồng hàng bông và lúa nếp. Tôi còn nhớ, thuở mới lên khu kinh tế mới Tha La I, ở lô 17 có rất nhiều nữ tu Công giáo. Các vị nữ tu ở trong một ngôi nhà khá rộng và trồng nhiều hoa cảnh rất đẹp.
Các vị rất hiền lành, học thức cao, thường giúp đỡ người dân nhiều việc, từ dạy học cho trẻ đến chữa bệnh cứu người. Hồi ấy, từ cuối lô 17 đi vô chừng cây số là đến bờ suối cạn, dọc theo hai bên bờ suối các nữ tu trồng những đám lúa nếp xen với giàn dưa leo.
Đến mùa nếp trổ đòng cho đến khi nếp chín là nước suối lên ngập lé đé. Đó cũng là lúc cá rô đồng tụ về nhiều vô kể. Chúng đi từng đàn và kéo các bông nếp chín xuống ăn, con nào con nấy mập căng tròn, vảy ánh vàng xanh y như màu ten của kim loại đồng vậy.
Để câu chúng, bọn trẻ chúng tôi chuẩn bị trứng kiến vàng, nhất là trứng kiến nù, mỗi cái trứng to bằng đầu chiếc đũa, vừa cho một lưỡi câu, cá rô đồng mê lắm thứ này. Đầu tiên, chúng tôi dọn từng vùng nước ven suối, mỗi vùng là một cái lỗ tròn cỡ như miệng thúng, xung quanh có rong hoặc cỏ che kín.
Cá rô quen ăn nếp, khi thấy có mồi lạ xuất hiện là tranh nhau đớp ngay. Kế tiếp để dụ chúng, phải rải ít trứng kiến nhỏ vào các lỗ vùng ấy, đợi vài phút cho chúng kéo đàn đến ăn quen, mất cảnh giác, sau đó mới móc cái trứng nù vào lưỡi câu thả xuống. Mồi chưa chìm hẳn là chúng kéo phao chìm nghỉm, chỉ cần nhấp nhẹ là kéo cá lên… Câu được vài con ở vùng này thì phải chuyển qua vùng khác, vì chỗ nào bị động là cá bỏ đi ngay.
Những ngày nghỉ học, chúng tôi hay rủ nhau lang thang qua các đoạn suối như thế. Trời từ cuối thu cho đến lập đông se se lạnh, trong từng cơn gió hiu hiu cảm giác được cái vị khô hanh bắt đầu khi những cơn mưa mùa ngớt hẳn. Muốn đi câu hôm nay thì phải đi thọc trứng kiến từ hôm trước.
Chúng tôi thường đi câu chung một nhóm vừa vui vừa có gì thì hỗ trợ nhau. Lúc bấy giờ, cá ở các con suối nhiều vô kể, chúng tôi đi từ sáng đến chiều về là đứa nào cũng xăm xắp đầy cả rọng cá, đặc biệt là cá rô đồng.
Suối cạn và dòng Tha La ngày ấy rất thơ mộng, nó gắn liền với tuổi thơ của bọn trẻ chúng tôi không biết bao nhiêu năm tháng. Rồi chúng tôi lớn dần, tản mát khắp nơi, chuyện học hành đến cơm áo gạo tiền, bờ suối cách nhau vài bước mà đã xa nhau. Mùa câu cá rô đồng chỉ còn là kỷ niệm.
Đào Thái Sơn